Ngày 08/8/2022, Campuchia trong vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York, đã chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN dưới hình thức trực tuyến. Tham dự Lễ kỷ niệm gồm Chánh Văn phòng Ban Thư ký Liên hợp quốc Courtenay Rattray thay mặt cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc và hơn 100 đại biểu đến từ các nước thành viên Liên hợp quốc. Tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sokhonn Prak, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 Abdulla Shahid đã gửi thông điệp chúc mừng. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia và Tổng Thư ký ASEAN tái khẳng định vai trò trung tâm chủ đạo của ASEAN tại khu vực, luôn hướng tới thúc đẩy đoàn kết, đồng thuận trong hợp tác giữa các nước thành viên và củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và Chánh Văn phòng Ban Thư ký, thay mặt Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cho rằng trước những thách thức phức tạp hiện nay, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong bảo đảo hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Đại diện nhiều nước thành viên Liên hợp quốc cũng gửi lời chúc mừng tới các nước thành viên ASEAN nhân dịp kỷ niệm thành lập tổ chức.
Ngày 03/8/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã gặp và làm việc với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhân dịp tham dự Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York. Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - LHQ trong 45 năm qua, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định LHQ là đối tác tin cậy vì hòa bình, hợp tác và phát triển, luôn đồng hành cùng Việt Nam qua các giai đoạn phát triển của đất nước. Nhân dịp này, Thứ trưởng nhắc lại lời mời Tổng thư ký LHQ vào thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào thời gian sớm nhất. Tổng Thư ký LHQ Guterres chia sẻ những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam, cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là phục hồi sau Covid. Tổng Thư ký đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của LHQ, nhất là các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Tổng Thư ký khẳng định sẽ nỗ lực thu xếp thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp trong năm nay.
Ngày 02/8/2022, bên lề tuần lễ Thảo luận chung Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tham gia thảo luận tại sự kiện do Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm chủ trì với chủ đề "Chống phổ biến, năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu"; cùng tham dự có Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Đại sứ UAE tại IAEA và Giám đốc cơ quan năng lượng quốc gia Kenya. Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26), đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thứ trưởng đánh giá cao những tiềm năng và lợi ích của điện hạt nhân mang lại, song cho rằng việc phát triển công nghệ này cần bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân và tuân thủ các quy định về thanh sát hạt nhân; đồng thời khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ quốc gia của mình với IAEA và cam kết tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của IAEA trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình.
Ngày 01/08/2022 Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York sau hơn 2 năm bị hoãn do đại dịch Covid-19. NPT là hiệp ước quan trọng và có vai trò trung tâm trong các cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân với 191 quốc gia thành viên, bao gồm cả 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ đã nêu quan ngại về xu thế căng thẳng địa chính trị gia tăng, cạnh tranh và nghi ngại giữa các quốc gia đang thay thế đối thoại và đoàn kết quốc tế, nguy cơ hạt nhân bị đẩy lên ở mức chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm đối đầu trong Chiến tranh lạnh, trong bối cảnh các quốc gia chi hàng trăm tỷ đô la củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong phát biểu của mình, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy cân bằng cả ba trụ cột của Hiệp ước là là không phổ biến vũ khí hạt nhân, kêu gọi các quốc gia loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thứ trưởng cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy giải trừ kho vũ khí này; khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các nghĩa vụ quốc gia trong khuôn khổ Hiệp ước NPT cũng như các cam kết quốc tế quan trọng khác trong lĩnh vực này, trong đó có việc thúc đẩy Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an (HĐBA), góp phần vào việc duy trì hòa bình khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng các nước cần dành ngân sách cho việc phát triển công nghệ hạt nhân nhằm ứng phó trước các thách thức quốc tế ngày nay như khủng hoảng lương thực và năng lượng, y tế và biến đối khí hậu.
Ngày 19/7/2022, theo đề nghị của Cục Gìn giữ Hòa bình, Bộ Quốc phòng, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã long trọng tổ chức Lễ trao quân hàm Thượng tá cho đồng chí Lương Trường Vinh và quân hàm Trung tá cho đồng chí Nguyễn Phúc Đông, đang công tác tại Cục Hoạt động Hòa bình, Trụ sở Liên hợp quốc. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao của các đồng chí được phong quân hàm năm 2022, trong đó nhấn mạnh các kết quả đạt được của cá nhân cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại các Phái bộ. Đại sứ Đặng Hoàng Giang đề nghị với trọng trách mới, các đồng chí cần tiếp tục phát huy khả năng của mình trong công tác và tham mưu tốt với Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực hợp tác gìn giữa hòa bình giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội tăng cường sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các Phái bộ của Liên hợp quốc. Thay mặt cho các đồng chí được thăng quân hàm năm 2022, Thượng tá Lương Trường Vinh nhấn mạnh việc được nhận quyết định thăng quân hàm là một trong những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của mỗi sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tin tưởng, giao phó.
Ngày 18/5/2022, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã gặp và trao Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phản hồi đề xuất của Tổng Thư ký về thiết lập quan hệ hợp tác Việt Nam – LHQ về ứng phó với biến đổi khí hậu, chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) và cảm ơn sự ủng hộ của LHQ cũng như cá nhân Tổng Thư ký trong hỗ trợ Việt Nam, trong đó có việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước G7 về chuyển đổi năng lượng. Tổng Thư ký LHQ bày tỏ vui mừng nhận được thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam và chia sẻ các thách thức mà Việt Nam và các nước đang phát triển phải đối mặt trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký nhấn mạnh LHQ và cá nhân ông sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong tiến trình này.
Ngày 07/7/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York), Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước cộng đồng Pháp ngữ đã có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thương trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh cần mở rộng và phát huy hơn nữa hợp tác giữa LHQ Tổ chức Pháp ngữ (OIF). Trong bối cảnh khủng hoảng chồng khủng hoảng hiện nay làm cho tình hình thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ít có tiến triển, Đại sứ cho rằng LHQ và OIF cần tăng cường hợp tác đẩy mạnh việc thực hiện SDG thông qua hợp tác Nam Nam và hợp tác ba bên, đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước Châu Phi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Về ứng phó biến đổi khí hậu, Đại sứ khẳng định lại cam kết của Việt Nam tại COP-26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đề nghị LHQ và OIF cần hợp tác để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực này. Đại sứ cũng đề nghị LHQ và OIF xây dựng chương trình hành động chung để phối hợp hành động triển khai các đề xuất của TTK LHQ về "Chương trình nghị sự chung của chúng ta" (OCA).
Ngày 7/7/2022, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) đã diễn ra cuộc họp giữa Phó Tổng Thư ký LHQ, Giám đốc điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) Bà Armida Salsiah Alisjahbana và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước thành viên ASEAN tại Liên hợp quốc để trao đổi về việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), và tăng cường quan hệ hợp tác giữa ESCAP và ASEAN. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ đánh giá của ESCAP và cá nhân Phó Tổng Thư ký về các khó khăn trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, nhất là khi tiến độ thực hiện một số SDG đã bị đẩy lùi hoặc đảo ngược. Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, để từ đó đề xuất giải pháp đưa việc thực hiện SDG trở lại đúng quỹ đạo và đạt mục tiêu vào năm 2030 ở cấp toàn cầu và khu vực. Đại sứ đề nghị Ban thư ký ESCAP tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật với Ban thư ký ASEAN trong việc thúc đẩy thực hiện SDG ở khu vực. Về phần mình, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn đặt con người làm trung tâm và động lực của phát triển và trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Từ ngày 27/6-1/7/2022, tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) về hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển (Hội nghị UNOC). Đây là lần thứ hai các nước thành viên LHQ triệu tập hội nghị về vấn đề cấp bách này, với chủ đề "Nhân rộng các hành động đại dương dựa trên khoa học và đổi mới nhằm thực hiện SDG 14: kinh nghiệm, đối tác và giải pháp". Với sự đồng chủ trì của Tổng thống Bồ Đào Nha và Kenya, Hội nghị nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế, với sự tham gia của gần 20 Nguyên thủ, Người đứng đầu chính phủ các nước, gần 100 Bộ trưởng Ngoại giao, môi trường, tài nguyên của các nước, cùng hàng nghìn đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu làm Trưởng đoàn, tham gia đoàn có Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Hải dương học Đào Việt Hà.
Ngày 30/6-1/7/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên họp cấp cao về cải thiện an toàn giao thông đường bộ nhằm thúc đẩy hợp tác và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu liên quan đến an toàn đường bộ trong Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 về phát triển bền vững. Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Đại biện lâm thời Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện Thập kỷ hành động 2021 – 2030 về an toàn đường bộ. Để đạt được mục tiêu giảm 50% thương vong do tai nạn giao thông đường bộ, Đại sứ cho rằng cần tăng cường và củng cố các văn kiện pháp lý về an toàn đường bộ, ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia để giải quyết các thách thức hiện nay và mới nổi. Ngoài ra, cũng cần đầu tư hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực đảm bảo an toàn đường bộ tại các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi xảy ra đến 90% các vụ tai nạn giao thông. Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng văn hóa an toàn giao thông thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức về tuân thủ luật giao thông như sử dụng dây an toàn và mũ bảo hiểm, không lái xe khi sử dụng rượu bia và chất kích thích. Đồng thơi, việc áp dụng và triển khai các công nghệ thông tin hiện có và đổi mới sáng tạo cũng rất cần thiết để đảm bảo an toàn đường bộ. Trong quá trình này, các nước phát triển và các thể chế tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm triển khai Thập kỷ hành động 2021 – 2030.