Chiều ngày 9/9/2020, CH Dominicana, Indonesia, Niger, Nam Phi, Mỹ, Pháp, St Vincent&Grenadines và Tunisia đồng chủ trì tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về thực hiện Nghị quyết 2535 (2020) về Thanh niên, hòa bình, an ninh (YPS). Ngoài các nước thành viên HĐBA LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ Rosemary DiCarlo, Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix, các đại diện phụ trách vấn đề YPS tại một số phái bộ của LHQ và hơn 20 đại diện các nước thành viên LHQ đã tham dự cuộc họp.

Phó TTK LHQ Rosemary DiCarlo cho biết cứ 4 thanh niên trên toàn thế giới, có một người bị ảnh hưởng bởi xung đột và bạo lực; cho rằng thanh niên nắm vai trò mấu chốt trong các tiến trình hòa bình, an ninh. Bà DiCarlo nhấn mạnh thành công trong chương trình nghị sự (CTNS) về YPS tại các phái bộ của LHQ phụ thuộc vào sự ủng hộ mạnh mẽ của các lãnh đạo phái bộ, có cách tiếp cận chung trên phạm vi toàn phái bộ, có các đầu mối phụ trách về YPS, có nguồn tài chính được đảm bảo và có quan hệ đối tác tốt với thanh niên.

Phó TTK LHQ Jean-Pierre Lacroix cho biết có 24 phái bộ của LHQ đã xây dựng CTNS YPS, 14 trong 22 phái bộ chính trị đặc biệt đã chỉ định đầu mối phụ trách YPS. Ông Lacroix cho biết các phái bộ của LHQ đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy CTNS YPS thông qua bảo đảm thanh niên tham gia đầy đủ vào các tiến trình chính trị, hòa bình; thúc đẩy đối thoại giữa thanh niên và chính quyền và tăng cường pháp quyền tại các quốc gia tiếp nhận các phái bộ.

Đại diện phụ trách YPS tại các phái bộ LHQ tại Kosovo, Colombia, Somalia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược YPS cho toàn bộ phái bộ, thu hút sự tham gia và làm chủ của thanh niên, bảo trợ và hỗ trợ các sáng kiến tăng cường tham gia của thanh niên, đào tạo, trao cơ hội kinh tế và kết nối quan hệ xã hội cho thanh niên.

Các ý kiến phát biểu đều ủng hộ thực hiện NQ 2535; cho rằng thanh niên thường bị gắn liền và bị ảnh hưởng bởi bạo lực và xung đột, bị nghi kị và không được tin tưởng, song thanh niên có tiềm năng rất lớn, có thể đóng góp quan trọng vào nỗ lực hòa bình, an ninh cũng như ứng phó với các thách thức an ninh mới như biến đổi khí hậu. Các ý kiến kêu gọi hỗ trợ thanh niên, tăng cường vai trò của thanh niên, chống bạo lực cực đoan trong thanh niên, cho rằng các phái bộ, trong phạm vi chức năng phù hợp, cần tham gia thúc đẩy CTNS YPS thông qua sáng kiến xây dựng lòng tin, tăng cường năng lực cho thanh niên, tăng cường đối thoại và kết nối.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng các nghị quyết của HĐBA về YPS cần được triển khai thực hiện hiệu quả ở tất cả các cấp. Đại sứ nhấn mạnh quốc gia cần đảm nhiệm trách nhiệm chính trong việc đưa CTNS YPS vào khung chính sách quốc gia; tăng nhận thức xã hội; tăng cơ hội cho thanh niên và dỡ bỏ các rào cản tham gia của thanh niên; tạo cơ hội học tập, đào tạo, việc làm, y tế cho thanh niên; và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Ở cấp độ quốc tế, Đại sứ Đặng Đình Quý ủng hộ tiếp tục thể chế hóa CTNS YPS vào hoạt động của hệ thống LHQ, bổ nhiệm đầu mối YPS tại các phái bộ, phối hợp chặt chẽ giữa phái bộ và quốc gia chủ nhà trong xây dựng chiến lược YPS, đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm giữa các phái bộ./.

*Nghị quyết 2535 được thông qua ngày 14/7/2020, là văn bản tổng hợp và phát triển trên cơ sở Nghị quyết 2250 (2015) và 2419 (2018) về Thanh niên, hòa bình, an ninh; thể chế hóa cơ chế báo cáo định kỳ 2 năm một lần của TTK trong vấn đề này. 11 nước thành viên HĐBA, trong đó có Việt Nam và hơn 40 nước thành viên LHQ đã tham gia đồng bảo trợ NQ.

* * Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước thành viên HĐBA và LHQ, các tổ chức quốc tế.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

Tin khác


  • QUOCHOI2.jpg 

    vanphongchinhphu4.jpg

    BONGOAIGIAO-EN.jpg


    BOKEHOACH-en.jpg


    BOCONGTHUONG-en.jpg

    dulich-en.jpg
    vietnamplus.jpg
    vov.jpg
    QUEHUONG.jpg