Ngày 25/5/2023, Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức thảo luận theo “công thức Arria” (không chính thức) về trách nhiệm và phản ứng của các quốc gia trước các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện tất cả 15 nước thành viên HĐBA cùng 34 nước và nhóm nước khác.
Trong báo cáo dẫn đề, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu cho biết số lượng các vụ tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng gia tăng, đặt ra nguy cơ đe doạ hoà bình và an ninh thế giới. Các cuộc tấn công không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng mà còn tạo ra những căng thẳng trong quan hệ quốc tế, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Bà Nakamitsu kêu gọi các quốc gia hành xử có trách nhiệm theo các chuẩn mực đã được Đại hội đồng LHQ thông qua từ năm 2015, tăng cường hợp tác ngăn chặn tấn công mạng và không sử dụng tấn công mạng nhằm vào các hệ thống hạ tầng thiết yếu trong các cuộc xung đột vũ trang.
Tại cuộc họp, các nước đều bày tỏ lo ngại về tình hình tấn công mạng trên thế giới thời gian qua, nhất là hậu quả nghiêm trọng của các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự đối với đời sống của người dân cũng như kinh tế và an ninh của các quốc gia. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp ứng phó, trong đó tập trung vào trách nhiệm của các quốc gia, luật pháp quốc tế và các biện pháp xây dựng lòng tin...
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đánh giá hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của mọi quốc gia đều có thể trở thành đối tượng của các cuộc tấn công mạng; cho rằng việc giải quyết thách thức này cần được thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc ở các diễn đàn liên quan, trong đó HĐBA LHQ; trong khi chính phủ các quốc gia cần coi trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn - an ninh mạng và có sự phối hợp với khu vực tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vận hành các hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh các nước cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo các chuẩn mực của LHQ, tăng cường chia sẻ thông tin và tương trợ tư pháp khi cần thiết, phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia cũng như các thoả thuận song phương và đa phương. Bên cạnh đó, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cần có cách tiếp cận chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm các lỗ hổng và kịp thời ngăn ngừa các cuộc tấn công./.