Ngày 08/03/2022, tại New York, Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thảo luận mở về chủ đề "Thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) thông qua các quan hệ đối tác: Tham gia và hòa nhập về kinh tế của phụ nữ như một yếu tố then chốt để xây dựng hòa bình". Bà Mariam Almheiri, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Các Tiểu vương quốc A-Rập Thống nhất (nước Chủ tịch HĐBA tháng 3/2022) chủ trì phiên họp. 

Tại cuộc họp, các nước đã trao đổi về các thách thức, kinh nghiệm và đề xuất nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đối với quá trình ngăn ngừa xung đột và tái thiết sau xung đột. Phiên họp có sự tham dự của Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về phụ nữ Bahous, Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva, cùng đại diện của hơn 60 nước thành viên LHQ.

Các diễn giả nhấn mạnh việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc thúc đẩy sự tham gia và hòa nhập của phụ nữ trên khía cạnh kinh tế và phục hồi tại các khu vực có xung đột còn hạn chế và chưa được quan tâm đầy đủ trong chương trình nghị sự về WPS. Các diễn giả và các nước cho rằng trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần tạo điều kiện và hỗ trợ phụ nữ hơn nữa trong các hoạt động về kinh tế, cả trong quá trình ra quyết sách và triển khai, đặc biệt là tại các khu vực có xung đột. Bà Bahous kêu gọi tăng cường kết nối giữa hoạt động giữa HĐBA, các cơ quan LHQ và các chủ thể quốc tế trong vấn đề này. Các diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các thách thức nhân đạo tại các khu vực xung đột, trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn cho phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ hoan nghênh việc phiên thảo luận được tổ chức đúng vào dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Đại sứ nhấn mạnh để các quốc gia phát triển thịnh vượng, ổn định, lâu dài, vai trò của phụ nữ là hết sức thiết yếu, không chỉ với tư cách là người thụ hưởng, mà quan trọng hơn là với tư cách là lãnh đạo và tích cực tham gia đóng góp.

Với quan điểm đó, Việt Nam kêu gọi tăng cường các chương trình và hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ ở cấp địa phương, quốc gia cũng như quốc tế để thúc đẩy khả năng xây dựng hòa bình bền vững và trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Đồng thời, Đại sứ cho rằng cần tăng cường quan hệ đối tác công - tư cũng như giữa Liên hợp quốc, các Quốc gia Thành viên và các chủ thể phi chính phủ trong việc chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực cho phụ nữ.

Đại sứ nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với việc đề cao vai trò và quyền của phụ nữ nói chung, về hòa bình, an ninh quốc tế nói riêng. Cam kết đó xuất phát từ chính thực tiễn, lịch sử của phụ nữ Việt Nam đã luôn đi đầu trong đấu tranh giành độc lập, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển kinh tế. Phụ nữ Việt Nam hiện đảm nhận những vị trí lãnh đạo của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời tích cực đóng góp vào các vấn đề quốc tế, trong đó có việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

 Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục có các biện pháp cụ thể để tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển, xây dựng hòa bình và tái thiết sau xung đột.

* Phụ nữ, hòa bình và an ninh là chủ đề Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất trong cả hai nhiệm kỳ đảm nhiệm ủy viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009 và 2020-2021. Tháng 12/2020, Việt Nam chủ trì Hội nghị Quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong đó thông qua Cam kết Hành động Hà Nội, trong đó tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và tái thiết sau xung đột là một trong những mục tiêu chính./.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

 Tin khác