Ngày 23/6/2015, tại Nây-pi-tô, Mi-an-ma, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế A-ya-oa-đi – Chao-phơ-ra-ya – Mê Công (ACMECS) lần thứ sáu.

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, láng giềng thân thiện giữa năm quốc gia và thúc đẩy hợp tác ACMECS vì lợi ích của nhân dân năm nước, vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực. Các nhà Lãnh đạo đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2013 – 2015, đặc biệt trong kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa năm nước, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), phát triển du lịch xanh, và hợp tác nông nghiệp.

Định hướng cho hợp tác thời gian tới, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 – 2018 với mục tiêu là nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, đưa ACMECS thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và du lịch, hình thành cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực ACMECS, đặc biệt ở các khu vực biên giới, và tận dụng các cơ hội phát triển mới mà Cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do đem lại. Tám lĩnh vực hợp tác ưu tiên được xác định gồm: tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, hợp tác công nghiệp và năng lượng, kết nối giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, và hợp tác về môi trường. Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao vai trò và khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp và các đối tác phát triển trong thực hiện Kế hoạch Hành động. Hội nghị đã ủng hộ đề xuất của Việt Nam về nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những đóng góp tích cực của ACMECS thời gian qua đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa năm nước, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực và tin tưởng rằng Hội nghị lần này sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa năm quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mục tiêu chung là tăng cường kết nối hợp tác bổ trợ cho nhau, nhất là những lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại tiểu vùng. Về những nỗ lực của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của tiểu vùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện quyết liệt các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Việt Nam chúng tôi luôn coi trọng hợp tác ACMECS và sẵn sàng cùng các nước thành viên, các đối tác phát triển triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả khu vực của chúng ta…"

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị hợp tác trong giai đoạn tới cần chú trọng đến ba nội dung sau: (i) nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp của các nước thành viên thông qua việc tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp tại tiểu vùng và từng bước hội nhập vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; (ii) tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại giữa năm nước, đặc biệt là dọc các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng và (iii) hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông A-ya-oa-đi, Chao Phơ-ray-a và Mê Công, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung và Kế hoạch Hành động ACMECS 2016 – 2018, nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao ACMECS 7 tại Việt Nam cùng thời gian tổ chức Hội nghị Cấp cao bốn nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (CLMV). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Việt Nam dự kiến sẽ phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức bên lề hai hội nghị này một diễn đàn đối thoại chính sách kinh doanh cao cấp về tiểu vùng Mê Công.

Cùng ngày, các nhà Lãnh đạo đã có buổi đối thoại với đại diện khu vực doanh nghiệp ACMECS. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao đóng góp của khu vực doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế xã hội của các nước ACMECS và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu và tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác của ACMECS, chủ động đưa ra các sáng kiến và đóng góp ý kiến cho các hoạt động hợp tác. Thủ tướng cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập quốc tế toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

(Nguồn: MOFA)

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​