​​​​
Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và Sở Ngoại vụ địa phương đồng chủ trì Hội nghị.

Ngày 3/3, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena đã ký Hiệp định Thương mại song phương để thay thế Hiệp định Thương mại năm 1998. Tham dự và chứng kiến lễ ký có Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavat; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng.

Với Hiệp định này, Việt Nam và Lào xóa bỏ thuế quan cho hơn 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Ngoài ra, hai Bên thống nhất các ưu đãi thuế nhập khẩu mà Việt Nam dành riêng cho Lào đối với một số mặt hàng đặc biệt sẽ được xem xét, xử lý trong Hiệp định Thương mại biên giới (dự kiến đàm phán và ký trong năm 2015).

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sau khi có hiệu lực, Hiệp định Thương mại mới giữa hai nước sẽ không chỉ tạo cơ sở pháp lý, mở ra thêm các cơ hội tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ mà còn góp phần tích cực vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị, anh em, đặc biệt giữa Việt Nam và Lào trong thời gian tới.

Hiệp định thương mại tự do song phương mới sẽ tạo cơ sở pháp lý để quan hệ thương mại Việt Nam-Lào phát triển ổn định, lành mạnh, phù hợp với quy định quốc tế, tương xứng với quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt giữa hai nước; mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước; phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên; phù hợp với các cam kết quốc tế của mỗi nước trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lào - Somsavat Lengsavat khẳng định việc ký Hiệp định thương mai giữa hai nước lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm triển khai kết quả chỉ đạo của Lãnh đạo hai nước cũng như triển khai kết quả của cuộc họp Ủy ban liên chính phủ lần thứ 37 giữa Việt Nam và Lào, đồng thời yêu cầu các bộ ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với bộ chủ quản để việc triển khai và thực hiện Hiệp định đạt kết quả mà hai bên đã đề ra.

Hiệp định Thương mại mới giữa Việt Nam – Lào sẽ có hiệu lực chính thức khi hoàn tất việc trao đổi công hàm ngoại giao giữa các Bên xác nhận rằng mỗi Bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết cho việc hiệu lực của Hiệp định.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 (CLV-8) tại Thủ đô Vientiane ngày 24/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong đã có cuộc hội kiến nhằm trao đổi những biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng đã nhất trí việc hai bên cần sớm hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại mới Việt Nam-Lào, tạo khuôn khổ pháp lý để phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2015.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, Việt Nam hiện đang nhập siêu từ Lào. Trong cả năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hàng hóa có tổng giá trị trên 477 triệu USD, trong đó nhiều nhất là sắt thép các loại (chiếm gần 20%), và xăng dầu các loại. Trong khi đó, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày, lại có lượng xuất khẩu khá khiêm tốn sang thị trường này. Lào xuất khẩu sang Việt Nam hàng hóa trị giá trên 808 triệu USD, trong đó hơn 600 triệu USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tiếp đến là quặng và các loại khoáng sản khác.

M.C

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​