
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Đức và các đại biểu tại APK 14
Diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ 20-22/11, Hội nghị giới kinh doanh Đức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APK 14) mở ra nhiều cơ hội lớn trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, đầu tư thương mại không chỉ với Việt Nam là nước chủ nhà, mà còn rộng hơn nữa là khu vực châu Á - Thái bình Dương ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các DN Đức. Đây là hội nghị quan trọng nhất của các doanh nghiệp (DN) Đức tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhằm mục đích trao đổi thông tin và xúc tiến thương mại giữa các DN của CHLB Đức và các DN thuộc khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Tham dự APK 14 lần này có Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel; ông Hubert Lienhard - Chủ tịch Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của giới chủ Đức; Bộ trưởng Kinh tế một số quốc gia; Tổng Thư ký ASEAN cùng trên 700 doanh nghiệp hàng đầu của Đức và khu vực. Đây là hội nghị doanh nghiệp Đức ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay và cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Đức vào năm 2015.
Động lực tăng trưởng và liên kết
Châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên là khu vực tạo động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế của thế giới, chiếm tới gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng hình thành trật tự thế giới. Hội nghị giới kinh doanh Đức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế năng động và lớn nhất Việt Nam, thể hiện thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Đức và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào xu thế và triển vọng phát triển của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Việt Nam- Đức có mối quan hệ lịch sử lâu dài, tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua đã gây được sự chú ý của giới kinh tế Đức, Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các DN Đức khi các DN này có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại châu Á. Xu hướng đầu tư của các DN Đức tại Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính chung đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều hàng năm đạt xấp xỉ 10 tỷ USD. Qua hội nghị này, các DN Đức có cơ hội tìm hiểu về đầu tư tại Việt Nam cũng như trao đổi kinh nghiệm và đàm phán với các DN trong nước về khả năng hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời chuẩn bị cho Năm kỷ niệm 40 năm hợp tác ngoại giao Việt Nam - Đức (1975- 2015).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Đức trong nỗ lực thúc đẩy và tạo xu thế phát triển mạnh mẽ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đánh giá cao vai trò của các công ty Đức đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định: Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch hai chiều năm 2013 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/10 tại Berlin, Thủ tướng hai nước đã thống nhất nhiều định hướng hợp tác chiến lược quan trọng gắn với các kế hoạch hành động cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Trong đó tập trung vào các nhóm lĩnh vực trọng tâm là hợp tác về chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Đây chính là khung khổ vững chắc cho sự hợp tác thành công của doanh nghiệp hai bên, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu như: phát triển năng lượng, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giao thông công cộng, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và trên các lĩnh vực khác...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng GDP bình quân 6-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó Việt Nam có nhu cầu lên tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, năng lượng tái tạo, giao thông, nhất là giao thông đô thị, cảng biển, sân bay. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công-tư (PPP) và đây cũng chính là thế mạnh của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp Đức".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Với nỗ lực cải cách trong nước và chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định và cho rằng các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ theo đúng các cam kết FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hợp tác và cùng thành công. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Đức đầu tư lâu dài ở Việt Nam."
Khu vực định hướng tương lai
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh sự trỗi dậy của khu vực châu Á -Thái Bình Dương đang làm thay đổi cục diện tình hình toàn cầu, trở thành động lực, trụ cột giao thương phát triển kinh tế toàn cầu và định hình tương lai của thế giới. Là một trung tâm kinh tế, năng động, châu Á cũng là một khu vực đa dạng về văn hóa và tôn giáo, đồng thời đang tồn tại những khác biệt trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tiềm ẩn những nguy cơ đối với hòa bình và ổn định ở khu vực.
Ông Helmut Kahlert đến từ Tổ chức thương mại và đầu tư Đức (GTAI) nhận định trọng tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được chuyển hướng tới các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nền kinh tế năng động của châu Á đã chứng minh sức mạnh của mình ngay cả trong thời kỳ kinh tế toàn cầu hỗn loạn. Đến năm 2020, ba trong số năm nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thuộc về khu vực châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ước tính chỉ ra rằng dân số của châu Á có thể có tăng lên đến gần bốn tỉ người, tổng sản phẩm ở đây sẽ tăng gấp khoảng hai lần, tương đương khu vực EU. Trong khu vực này, sẽ có sự góp mặt của các nền kinh tế với công nghiệp cao, hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, và đặc khu hành chính Hồng Kông đến các con hổ mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Philippines, và nhóm nước có thu hập thấp hơn gồm Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Bangladesh và Myanmar. Hầu hết các ngành kinh doanh của Đức đều có thể tìm thấy nhu cầu từ khu vực. Nền kinh tế Đức không có lựa chọn nào khác là phải tập trung hơn vào đây để có thể gặt hái những phần thưởng trong quá trình thay đổi này.
Châu Á đã trở thành thị trường thứ hai quan trọng nhất đối với hàng hóa "Made in Germany", chỉ đứng sau châu Âu. Khối lượng xuất khẩu của Đức vào các quốc gia châu Á đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1990-2013 và hiện tại là khoảng 14% tổng xuất khẩu của Đức. Điều đó chứng tỏ các công ty của Đức có thể tiếp tục tham gia vào sự phát triển trong tương lai khu vực nếu thị trường vẫn mở. Hiện đã có tổng cộng 200 hiệp định thương mại tự do và thỏa thuận hợp tác tại chỗ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời các nước Đông Nam Á cũng đã thống nhất dỡ bỏ các rào cản hải quan khu vực theo AFTA, điều này cho phép các nhà đầu tư có vị trí trong các nước ASEAN tiếp cận với khoảng 600 triệu người tiêu dùng.
Tiến sỹ Hubert Lienhard, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Voith GmbH, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Đức khu vực châu Á – Thái bình dương (APA) nói rằng các doanh nghiệp Đức đang ở trong một vị trí tuyệt vời để tạo ra tiêu chuẩn mới ở châu Á. Ngày càng có nhiều công ty Đức liên doanh với các nhà sản xuất châu Á hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Người Đức đang đầu tư vào nghiên cứu đón đầu xu hướng ở châu Á với các sản phẩm như máy móc và thiết bị nhà máy, ô tô và phụ tùng, hóa chất, công nghệ và y tế.
Ở chiều ngược lại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức, Sigmar Gabriel phát biểu rằng Đức cũng cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế Đức đang phát triển ổn định và như một máy tạo nhịp tim cho nền kinh tế châu Âu, và Đức còn là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới. Chính phủ Liên bang đang triển khai một chính sách cởi mở và minh bạch với nhà đầu tư nước ngoài, hành xử bình đẳng và thúc đẩy sự chào mời. Chúng tôi cũng muốn hội nghị này khiến nhà đầu tư châu Á chú ý tới Đức như là một điểm đến cho đầu tư.
Ông Hubert Lienhard nói rằng Đức là một điểm đến tuyệt vời cho đầu tư vì lợi thế lực lượng lao động tay nghề cao, cơ sở hạ tầng vững chắc. Đức là một cánh cửa 'truy cập' vào thị trường châu Âu. Đáng chú ý theo ông là nhà đầu tư châu Á có rất ít đối thủ cạnh tranh ở đây và có rất nhiều đối tác khả thi. "Chúng tôi cần thêm những nhà đầu tư mới'', ông nói.
Ông Lienhard gọi châu Á là ''khu vực định hướng tương lai''. Tiềm năng tăng trưởng và dân số trẻ của hầu hết các nước châu Á cung cấp một tương lai thịnh vượng và bền vững, là nền tảng cho các khoản đầu tư thành công.
"ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt với một bước ngoặt đặc biệt trước cam kết mạnh mẽ hơn trong khu vực châu Á. Chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này", ông nói.
Nói về sự xao nhãng của các DN Đức đối với khu vực này trong thời gian trước, nhiều công ty lớn của Đức bày tỏ nếu 10 năm trước Trung Quốc là điểm đến gần như duy nhất ở châu Á Thái Bình Dương thì nay, ASEAN là điểm đến mới, trong đó có Việt Nam. Do trước đây, thị trường Trung Quốc là quá lớn và Đức không thể bỏ qua. Nhưng nay tình hình đã thay đổi. Lợi nhuận của các tập đoàn Đức tại Trung Quốc đang suy giảm và việc kinh doanh ngày càng khó, doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu mua ngược lại doanh nghiệp Đức. Các doanh nghiệp Đức đang chuyển hướng, họ đang chú ý đến ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Minh Anh