Đại diện 12 nước tham gia đàm phán TPP tại Atlanta (Mỹ). Ảnh: Reuters

Tối 5/10 theo giờ Việt Nam, tức sáng 5/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ, bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng tại Atlanta.

Theo TTXVN, sau 6 ngày đàm phán liên tục thành phố Atlanta (Mỹ), 12 nước đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Tại cuộc họp báo sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói: "Sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng, chúng ta đã có một thỏa thuận hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đẩy nhanh phát triển toàn diện và cải cách khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Bộ trưởng thương mại Nhật Akira Amari khẳng định TPP có tầm quan trọng chiến lược cho các nước trong khu vực chứ không chỉ đơn thuần là thương mại. Bộ trưởng thương mại Canada Ed Fast mô tả: "Chúng tôi đã đạt được những điều mà nhiều người nói là bất khả thi".

Lãnh đạo các nước Nam Mỹ Chile và Peru tỏ ra hài lòng với "kết quả cân bằng" sau cuộc đàm phán trong việc tạo ra cơ hội cho người dân tại ba lục địa tham gia TPP. Bộ trưởng thương mại New Zealand Tim Groser cho biết nước này khá thành công khi đàm phán được miễn tất cả thuế đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu, ngoại trừ thịt bò và một số sản phẩm bơ sữa.

Lợi ích lớn cho châu Á

Sau khi cuộc đàm phán TPP hoàn tất ở Atlanta, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định TPP sẽ đem lại lợi ích lớn cho toàn bộ khu vực. "Đây là một kết quả lớn không chỉ với Nhật mà với cả tương lai của châu Á - Thái Bình Dương" - Thủ tướng Abe tuyên bố từ Tokyo.

Trong khi đó tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả TPP sẽ "tạo sân chơi bình đẳng" cho giới công nhân và doanh nghiệp Mỹ. Ông Obama ca ngợi TPP là thỏa thuận tạo ra vùng thương mại tự do lớn nhất thế giới. "TPP bao gồm các cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường so với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào trong quá khứ" - ông Obama nhấn mạnh và cho biết Quốc hội Mỹ sẽ có nhiều tháng để nghiên cứu TPP trước khi ông ký thông qua thành luật.

Sau cuộc đàm phán, quốc hội 12 quốc gia tham gia TPP sẽ phải thông qua thỏa thuận này. Trong suốt những ngày đàm phán, hai vấn đề khó khăn nhất, gây nhiều tranh cãi nhất là hệ thống bảo hộ bản quyền thuốc sinh học và thị trường bơ sữa.

Phía Mỹ muốn bảo hộ bản quyền thuốc sinh học của các tập đoàn dược trong 12 năm, nhưng Úc và nhiều nước yêu cầu duy trì thời gian bảo hộ là 5 năm như thông lệ quốc tế để giúp giảm giá thuốc và bớt gánh nặng đè lên các chương trình y tế công ở các nước.

Cơ hội cho Việt Nam

Khi nghe thông tin hoàn tất đàm phán TPP, tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết ông cảm giác thở phào nhẹ nhõm.

Dù từ khi kết thúc đàm phán đến ký kết và chính thức có hiệu lực cần thêm một thời gian để hoàn tất những thủ tục cần thiết, nhưng việc kết thúc đàm phán TPP lúc này là một trong những dấu hiệu tốt cho bước ngoặt cải cách và phát triển kinh tế VN.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, đối với VN TPP có ba chất xúc tác quan trọng, đầy ý nghĩa. Thứ nhất là liên quan đến xuất khẩu của VN. TPP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới.

Thứ hai là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khác trước, dòng vốn nước ngoài vào VN sẽ tăng nhanh nhằm tận dụng những gì mà hiệp định đem lại.

Chất xúc tác thứ ba mới thật sự quan trọng. Xét về dài hạn, vào TPP là bước ngoặt cho VN thay đổi cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đàng hoàng, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp VN.

Với ba chất xúc tác như vậy, TPP có ý nghĩa rất lớn với VN, ngay đúng thời điểm mà VN đang cần phải thay đổi cách thức để phát triển một cách bền vững.

Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, các nội dung trong đàm phán TPP tiến một bước xa hơn là xóa bỏ các hàng rào kinh tế, đó là tấn công vào tất cả các quy định, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.

Hay nói cách khác, tên của hiệp định này là tự do thương mại nhưng uy lực của nó tiến xa hơn tự do thương mại, các nước tham gia phải tuân thủ những chuẩn mực chất lượng cao của các nước phát triển.

"Các chuyên gia đánh giá VN được lợi nhờ bán thêm gạo, giày, quần áo. Không còn thuế nữa thì cơ hội bán hàng của VN lớn hơn nhưng đồng thời VN cũng phải mở cửa và đối tượng dễ bị tổn thương của VN là nông dân phải đối mặt với sản phẩm giá rẻ", tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cho biết.

Trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có điều khoản nâng đỡ, hỗ trợ gia nhập từ từ cho các nước kém phát triển như VN, nhưng trong TPP các điều khoản phải tiến hành song phương, không có điều khoản nào áp dụng cho những nước nhỏ. Quy định này khiến luật chơi trong TPP trở nên khắc nghiệt hơn.

(Tổng hợp)

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​