Thưa các Ngài Đại sứ, Tổng lãnh sự và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế,
Thưa các Quý vị khách quý,
Trước hết, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến tham dự buổi "Gặp gỡ Địa phương – Ngoại giao Đoàn" tổ chức tại thành phố Cần Thơ tươi đẹp – trung tâm của miền Tây Nam Bộ.
Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với BCĐ Tây Nam Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa đại diện 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện quan trọng và ý nghĩa này diễn ra trong bối cảnh cả nước tưng bừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chính quyền và nhân dân ĐBSCL náo nức tổ chức Hội chợ - Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển.
Thưa các Quý vị,
Không phải ngẫu nhiên buổi gặp mặt trang trọng của chúng ta diễn ra vào thời điểm này, cũng không phải ngẫu nhiên ĐBSCL được chọn là điểm đến đầu tiên của chương trình. 2012 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện; là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020, hướng tới mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 2012 cũng là năm bản lề thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế một cách toàn diện, mạnh mẽ với 3 khâu đột phá quan trọng là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp. Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, ngành ngoại giao đã xác định ngoại giao kinh tế là một trọng tâm hoạt động, trong đó việc hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế được hết sức chú trọng.
Là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, nơi sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước, ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị - văn hóa trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới. Với cảnh quan sinh thái đặc trưng là đồng bằng và biển đảo, cây trái bốn mùa trĩu quả, tài nguyên thiên nhiên phong phú kết hợp các tinh hoa văn hóa và lịch sử đặc sắc, ĐBSCL không chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn là nơi du lịch hấp dẫn cho những ai đam mê khám phá.
Thưa các Quý vị,
Người xưa có câu: "Hữu xạ tự nhiên hương" với hàm ý rằng ai, người nào tốt, cái gì hay, đẹp thì tự khắc xã hội sẽ trân trọng và tìm đến. Ngày nay, trong công tác ngoại giao kinh tế, chúng tôi thấy rằng tích cực quảng bá, chủ động kết nối và thiết lập quan hệ bền vững chính là chìa khóa thành công, giúp cho hương sắc của địa phương bay xa hơn, vượt qua biên giới đến được với các đối tác toàn cầu. Buổi gặp gỡ và trao đổi của chúng ta hôm nay chính là một việc làm thiết thực để đại diện chính quyền và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL giới thiệu, chia sẻ với Ngoại giao Đoàn những thành tựu, tiềm năng cũng như những khó khăn, thách thức mà địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mình.
Thưa các Quý vị,
Lạm phát gia tăng, đi đôi với biến động giá năng lượng và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là mối quan ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh không mấy sáng sủa đó, ĐBSCL đang cùng với cả nước kiên trì vượt qua khó khăn, quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Trong quá trình này, sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác quốc tế dưới hình thức đa dạng như hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển và kiến thức quản lý tiên tiến có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tôi tin rằng sự tham gia của đoàn ngoại giao và đại diện lãnh đạo, doanh nghiệp ĐBSCL tại Hội nghị ngày hôm nay – dù mới chỉ là lần đầu tiên - sẽ không chỉ mang tới nhiều ý kiến bổ ích cho cả hai phía mà còn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.
Xin chúc toàn thể các vị khách quý, các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn./.