Từ ngày 25-27/6/2024, Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã tổ chức Phiên họp về các vấn đề nhân đạo với chủ đề “Đặt con người lên hàng đầu khi ứng phó với xung đột và biến đổi khí hậu: tăng cường hỗ trợ nhân đạo và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, và thúc đẩy tính hiệu quả, sáng tạo và đối tác”.
Khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng nhân đạo tại nhiều nơi trên thế giới do xung đột, tác động của biến đối khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đồng thời, hiện nay các nước và các bên liên quan mới chỉ đóng góp 8 trong tổng số 48 tỉ đôla ngân sách cần thiết cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Tổng Thư ký kêu gọi các nước tăng cường hành động và thể hiện cam kết với chủ nghĩa đa phương, đóng góp giải pháp chính trị cho các xung đột đang diễn ra, khung hoảng khí hậu và ngăn ngừa các thảm họa gây ra cho người dân.
Các nước bày chia sẻ đánh giá của các diễn giả về những thách thức nhân đạo lớn mà thế giới đang phải đối mặt, nhấn mạnh cần đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế, đảm bảo tài chính cho các hoạt động nhân đạo và ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường hoạt động điều phối hỗ trợ nhân đạo của các cơ quan LHQ.
Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam chia sẻ quan ngại về tình trạng gia tăng đáng báo động của khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới khiến hàng triệu người phải đối mặt với khó khăn, trong khi tiếp cận và việc vận chuyển hỗ trợ nhân đạo gặp rất nhiều cản trở. Để giải quyết được thách thức này, Việt Nam kêu gọi cần tuân thủ hiến chương Liên hợp quốc và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế. Các quốc gia và các bên trong xung đột cần tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo an toàn và không bị cản trở. Các nước cần tăng cường hành động khí hậu để ngăn ngừa các thảm họa do biến đổi khí hậu và các hậu quả nhân đạo có thể xảy ra thông qua thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường khả năng chống chịu với sự tham gia của các cộng đồng ở địa phương. Đồng thời, quan hệ đối tác giữa các nước, các cơ chế liên quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc cần được cải thiện để hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả nhất cho người dân.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng khẳng định trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo quốc tế trong đó có tình hình tại dải Gaza, Ukraine, Myanmar và sẽ tiếp tục hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới./.