Ngày 13/3/2024, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Phát triển con người năm 2023-2024. 

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhận định thế giới đã từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, chỉ số phát triển con người (HDI) đã tăng trở lại và ở mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi báo cáo lần đầu ra mắt năm 1990. Mặt khác, ông Achim Steiner bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn, xung đột gia tăng tại một số khu vực, nhất là tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách về HDI gia tăng, đặc biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. UNDP kỳ vọng báo cáo mới được công bố sẽ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để ứng phó thách thức, tiếp tục thúc đẩy phát triển con người.

Trong trao đổi riêng với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trước buổi lễ, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner chúc mừng Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển con người, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Trong bảng xếp hạng HDI mới nhất, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao. Đó là kết quả của những chính sách đúng đắn, hiệu quả và nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch COVID-19 và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người dân Việt Nam./.

* Báo cáo Phát triển con người của UNDP lần đầu ra mắt năm 1990, được xây dựng và công bố định kỳ 2 năm/lần với sự tham gia, đóng góp của nhiều chuyên gia đến từ các cơ quan LHQ, các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm phân tích các xu thế, bối cảnh thế giới tác động đến sự phát triển của con người trên nhiều khía cạnh. Chỉ số về phát triển con người (HDI) được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển toàn diện của các nước, được giới nghiên cứu cũng như giới hoạch định chính sách sử dụng rộng rãi.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​