Sáng ngày 25/9/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết 2544 về gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát của LHQ tại Colombia, sau đó họp công khai vềtình hình Sudan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ tại Sudan (UNITAMS).
*Nghị quyết 2544 do Anh chủ trì soạn thảo có nội dung chính là gia hạn hoạt động của Phái bộ Giám sát Liên hợp quốc tại Colombia đến ngày 25/9/2021. Theo đó, Phái bộ có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các Khoản 3.2 và 3.4 của Thỏa thuận cuối cùng giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Quân đội cách mạng Colombia (FARC-EP). Bên cạnh đó, Phái bộ còn có các nhiệm vụ khác như thúc đẩy quá trình tái hòa nhập chính trị, kinh tế và xã hội của FARC-EP; bảo đảm an ninh cho các cá nhân, tập thể, cộng đồng và các tổ chức tại các vùng lãnh thổ; giám sát tại các khu vực và địa phương theo yêu cầu. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ khả năng HĐBA sẽ xem xét bổ sung nhiệm vụ xác minh việc tuân thủ các bản án của Cơ quan tài phán đặc biệt vì hòa bình (SJP) của Colombia.
**Về tình hình Sudan, Phó Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo và Phó Tổng Thư ký LHQ về các hoạt động hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã báo cáo cập nhật về các diễn biến mới trong tiến trình chuyển tiếp ở Sudan và công tác chuẩn bị triển khai UNITAMS. Các Phó Tổng Thư ký hoan nghênh Thỏa thuận Hòa bình lịch sử đạt được ngày 31/8/2020 giữa Chính phủ chuyển tiếp và hai nhóm phiên quân lớn tại Darfur; chia sẻ các khó khăn về kinh tế, nhân đạo mà Sudan đang phải đối mặt; đồng thời tái khẳng định LHQ sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Sudan về việc triển khai UNITAMS. Bà DiCarlo cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về việc đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và cho phép Sudan được tiếp cận các thể chế tài chính quốc tế một cách đầy đủ.
Các nước thành viên HĐBA hoan nghênh những tiến triển tích cực thời gian qua ở Sudan song cho rằng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, hậu quả của lũ lụt vàtác động của đại dịch COVID-19. Các nước kêu gọi tiếp tục thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và các nhóm vũ trang còn lại ở Darfur; mong muốn UNITAMS sẽ sớm được triển khai và đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan. Một số nước kêu gọi việc sớm bổ nhiệm Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Sudan. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Sudan tại LHQ khẳng định Chính phủ chuyển tiếp sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình và phát triển ở Sudan; kêu gọi dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Sudan và đưa nước này ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố.
Đại sứ Đặng Đình Quý,Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc hoan nghênh những tiến triển gần đây tại Sudan nói chung và Darfur nói riêng, đặc biệt là Thỏa thuận Hòa bình ngày 31/8/2020; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ chuyển tiếp trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và ứng phó với đại dịch COVID-19; ghi nhận tình hình Sudan nói chung và Darfur nói riêng còn nhiều thách thức về kinh tế, nhân đạo và kêu gọi tăng cường tạo điều kiện cho Sudan được tiếp cận viện trợ tài chính quốc tế. Đại sứ đánh giá cao vai trò của LHQ, Liên minh châu Phi và các nước khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của Nam Sudan; đồng thời bày tỏ mong muốn UNITAMS sẽ sớm được vận hành và hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp và phát triển ở Sudan.
***Phái bộ Giám sát của LHQ tại Colombia được thành lập theo NQ 2366 (2017) ngày 10/7/2017 của HĐBA LHQ với thời hạn 3 năm và được gia hạn nếu cần thiết nhưng phải phù hợp với phần 6.3.3 của Thỏa thuận Hòa bình Cuối cùng được ký ngày 24/11/2016. Từ 2017 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Phái bộ.
Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ ở Sudan (UNITAMS) được thành lập theo Nghị quyết 2524 của HĐBA (thông qua tháng 6/2020). Đây là Phái bộ Chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.
Danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố là danh sách do Bộ Ngoại giao Mỹ xây dựng đối với các quốc gia được cho là hỗ trợ thường xuyên cho các tổ chức khủng bố quốc tế. Các quốc gia ở trong danh sách này bị hạn chế tiếp cận các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các thể chế tài chính quốc tế khác. Sudan nằm trong danh sách này từ ngày 12/8/1993./.