Ngày 26/4/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã xem xét và thông qua bằng đồng thuận dự thảo Nghị quyết "Cơ chế thường trực về họp ĐHĐ LHQ khi quyền phủ quyết được sử dụng tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ". Nghị quyết được 84 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ.
Theo Nghị quyết này, Chủ tịch ĐHĐ LHQ sẽ tự động triệu tập họp chính thức ĐHĐ LHQ trong vòng 10 ngày sau khi có nước thường trực HĐBA LHQ sử dụng quyền phủ quyết, nhằm thảo luận về vấn đề bị phủ quyết, trong trường hợp ĐHĐ LHQ không tổ chức thảo luận trong khuôn khổ Phiên họp khẩn cấp đặc biệt về cùng chủ đề này. Tại phiên họp, nước sử dụng phủ quyết sẽ được dành ưu tiên phát biểu. Nghị quyết cũng mời HĐBA LHQ, thể theo Điều 24 Hiến chương LHQ, nộp báo cáo đặc biệt về việc sử dụng quyền phủ quyết lên ĐHĐ LHQ ít nhất 72 tiếng trước phiên thảo luận của ĐHĐ LHQ.
Trong trường hợp quyền phủ quyết được sử dụng tại Khóa 76 ĐHĐ LHQ, phiên thảo luận sẽ được tổ chức dưới đề mục về "Củng cố hệ thống LHQ", từ Khóa 77 thảo luận sẽ diễn ra dưới một đề mục mới "Sử dụng quyền phủ quyết", được thành lập theo Nghị quyết nêu trên.
Tại phiên thông qua Nghị quyết, nhiều nước phát biểu thể hiện mong muốn tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của HĐBA LHQ cũng như vai trò của ĐHĐ LHQ. Bên cạnh đó, một số nước cho rằng cơ chế cho phép Chủ tịch ĐHĐ LHQ tự động triệu tập họp ĐHĐ LHQ của Nghị quyết sẽ làm giảm thẩm quyền của các nước thành viên, sự cân bằng trong vai trò của ĐHĐ LHQ và HĐBA LHQ.
* Quyền phủ quyết (veto) của các nước thường trực HĐBA bắt nguồn từ quy định tại Điều 27 của Hiến chương LHQ, theo đó:
1. Mỗi thành viên của HĐBA sẽ có một phiếu bầu.
2. Quyết định của HĐBA về các vấn đề thủ tục sẽ được thông qua khi được chín nước thành viên bỏ phiếu thuận (trường hợp này không yêu cầu phải có đủ năm phiếu thuận của các nước HĐBA - không áp dụng quyền phủ quyết).
3. Quyết định của HĐBA về tất cả các vấn đề khác sẽ được thông qua khi được chín thành viên bao gồm cả năm thành viên thường trực bỏ phiếu thuận; với điều kiện, quy định tại các quyết định theo Chương VI, và theo khoản 3 của Điều 52, bên có tranh chấp sẽ không tham gia bỏ phiếu.