Thưa bà Chủ tọa,

          1. Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của Ireland về việc tổ chức cuộc họp này để thảo luận về xung đột và nạn đói - một chủ đề cấp bách hiện nay.

          2. Bất chấp những nỗ lực toàn cầu trong việc giải quyết các thách thức về mất an ninh lương thực trong những năm gần đây, hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị tác động trầm trọng hơn bởi những diễn biến phức tạp và hệ quả của các cuộc xung đột, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và thiên tai.

          Điều này đã đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với các nước và các địa bàn bị ảnh hưởng bởi xung đột ở châu Phi, châu Á và châu Âu đang được HĐBA thảo luận.

          3. Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh các điểm sau:

          Thứ nhất, nhu cầu cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo toàn cầu để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng.

Cộng đồng quốc tế cần tìm kiếm các biện pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề gia tăng giá cả, cũng như giải quyết các thách thức cụ thể trong từng địa bàn.

           Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực không mệt mỏi của các cơ quan Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và các nhà tài trợ quốc tế trong nỗ lực chống lại nạn đói.

           Chúng tôi khuyến khích Liên Hợp Quốc và các đối tác có báo cáo cập nhật  kịp thời về tình trạng mất an ninh lương thực mới phát sinh hoặc trở nên  trầm trọng hơn do xung đột.

           Thứ hai, tất cả các bên xung đột phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến Chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

           Họ phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, bao gồm việc không tấn công hay phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân.

           Việc bỏ đói không bao giờ được phép sử dụng phục vụ mục tiêu quân sự.

           Những nguyên tắc này đã được quy định trong Nghị quyết 2417 và Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an, do Việt Nam giới thiệu và được đồng bảo trợ bởi tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an.

           Trong việc ứng phó với các tình hình  cụ thể liên quan đến xung đột, Hội đồng Bảo an có thể xem xét lồng ghép ngôn ngữ liên quan đến việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng liên quan đến hệ thống lương thực.

          Thứ ba, chúng ta cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột, qua đó giảm thiểu nguy cơ của nạn đói do xung đột.

          Chúng tôi khuyến khích Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng Hòa bình và các cơ quan khác của LHQ tìm kiếm các sáng kiến mới trong vấn đề này.

          Chúng tôi kêu gọi thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, vốn có vai trò thiết yếu trong xử lý vấn đề mất an ninh lương thực ở các khu vực liên quan.

          Ví dụ, trong khu vực của chúng tôi, với sự hỗ trợ từ FAO, kể từ năm 2009 ASEAN đã xây dựng và triển khai Khuôn khổ Bảo đảm An ninh lương thực Tích hợp (AIFS), tập trung vào các biện pháp chiến lược để bảo đảm an ninh lương thực dài hạn và cải thiện sinh kế của người nông dân.

          Thưa bà Chủ tọa,

          4. Việt Nam ghi nhận vai trò quan trọng của an ninh lương thực trong việc bảo đảm an ninh, ổn định và phát triển.

          Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp một cách có ý nghĩa vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

          Xin cảm ơn./.  ​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

 Tin khác