Sáng ngày 30/8/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine và thông qua một số nghị quyết liên quan hoạt động của LHQ tại Cộng hoà Mali, Lebanon và Somalia. Các nghị quyết đều được HĐBA LHQ nhất trí thông qua với 15/15 phiếu thuận.
*Tại cuộc họp về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, Điều phối viên đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về tiến trình hoà bình Trung Đông, ông Tor Wennesland đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Điều phối viên đặc biệt cho biết tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine thời gian qua vẫn tiếp tục căng thẳng do các vụ bạo lực có xu hướng gia tăng, theo đó, số lượng người Palestine thương vong trong các vụ va chạm với lực lượng chức năng Israel ngày càng tăng. Trong tháng qua, các hoạt động truy lùng và bắt giữ của Israel tại Bờ Tây đã làm chết 9 người và bị thương hơn 280 người Palestine. Tình hình tại Gaza cũng căng thẳng do các vụ thả bóng bay gây cháy và bắn rocket từ phía Gaza cũng như việc Israel bắn 37 quả tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng Hamas. Đặc phái viên kêu gọi các bên chấm dứt các hành động bạo lực và có biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Các nước thành viên HĐBA bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng gia tăng trở lại tại nhiều nơi ở Palestine. Nhiều nước thể hiện lập trường phản đối và kêu gọi chấm dứt các hoạt động của Israel mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, phá huỷ, tịch thu nhà cửa, tài sản của người Palestine. Một số nước nhắc lại lập trường phản đối việc bắn rocket về phía Israel. Trong khi đó, một số nước lên án Israel không kích dải Gaza, vi phạm lệnh ngừng bắn. Nhiều nước nhấn mạnh cần thiết bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo và tái thiết cho Gaza sau xung đột và kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp cho ngân sách của UNRWA.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà bày tỏ lo ngại về sự gia tăng bạo lực gần đây với số thương vong ngày càng tăng, có nguy cơ leo thang thành xung đột nóng. Việt Nam kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa, có các biện pháp bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tập trung vào đối thoại và đàm phán. Đại diện của Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc Israel tiếp tục có kế hoạch mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, khẳng định các hoạt động này là trái luật pháp quốc tế và các nghị quyết của LHQ.
Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine, ủng hộ giải pháp hai Nhà nước bao gồm việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền bên cạnh Nhà nước Israel với các đường biên giới an toàn, được quốc tế công nhận trên cơ sở các đường biên giới trước năm 1967. Việt Nam hoan nghênh tất cả các sáng kiến nhằm đưa các bên liên quan tiến tới mục tiêu này.
Về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam kêu gọi các bên bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo tại Gaza, đồng thời cho phép lưu chuyển hàng hoá thường xuyên qua các cửa khẩu giữa Gaza với bên ngoài để phục vụ việc tái thiết và phát triển kinh tế.
*Cùng ngày, HĐBA đã thông qua các nghị quyết số 2590 liên quan Cộng hoà Mali, nghị quyết số 2591 gia hạn hoạt động của Phái bộ Lực lượng lâm thời của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) và nghị quyết số 2592 gia hạn hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Somali (UNSOM).
Nghị quyết 2590 gia hạn các biện pháp trừng phạt liên quan Cộng hòa Mali đến ngày 31/8/2022, nhắc lại quan ngại của HĐBA về tình hình chính trị Mali thời gian gần đây và việc vi phạm Hiến chương chuyển tiếp. Nghị quyết nhắc lại cam kết mạnh mẽ của HĐBA LHQ đối với việc tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali. Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu tình hình Mali tiếp tục là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh ở khu vực, nhấn mạnh cần tăng cường sự làm chủ và ưu tiên việc thực hiện Hiệp định hoà bình năm 2015.
Uỷ ban trừng phạt liên quan Cộng hoà Mali được thành lập năm 2017 theo Nghị quyết số 2374 của HĐBA LHQ. Uỷ ban này có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các biện pháp trừng phạt như phong toả tài sản đối với các thực thể, cá nhân và lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân được cho có hành vi cản trở thực hiện các cam kết hoà bình tại Mali hoặc vi phạm, không tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Nghị quyết 2591 gia hạn hoạt động của Phái bộ Lực lượng lâm thời của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) đến ngày 31/8/2022. So với nghị quyết tương tự của năm 2020, nghị quyết lần này bổ sung thêm một số nội dung yêu cầu UNIFIL hỗ trợ cho Lực lượng vũ trang Lebanon (LAF) về hậu cần, lương thực, thuốc men. Nghị quyết cũng đánh giá hiện khó khăn về kinh tế - xã hội của Lebanon đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của LAF trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh của Lebanon. Nghị quyết cũng kêu gọi Lebanon thực hiện bầu cử đúng lịch trình vào năm 2022 và không trì hoãn việc thành lập Chính phủ mới.
UNIFIL là lực lượng lâm thời của LHQ làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại vùng biên giới phía Nam của Lebanon. Lực lượng này được thành lập và triển khai lần đầu vào năm 1978 và được bổ sung thêm nhiệm vụ hai lần vào các năm 1982 và 2006 sau các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm ngăn chặn căng thẳng giữa các lực lượng tại khu vực hoạt động.
Nghị quyết 2592 gia hạn hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Somali (UNSOM) đến ngày 31/5/2022. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của UNSOM trong hỗ trợ, tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên. Nghị quyết có một số nội dung mới nhấn mạnh đến những diễn biến gần đây, trong đó, kêu gọi Somalia nhanh chóng tổ chức bầu cử tự do, công bằng, đáng tin cậy, toàn diện và hoàn thành công tác chuẩn bị bầu cử. Một số nội dung cũng nhấn mạnh vào kỳ vọng của HĐBA về các cuộc bầu cử "một người một lá phiếu" ở cấp địa phương và cấp bang trong năm 2025. Ngoài ra, UNSOM có nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy hòa giải và đối thoại trong bầu cử tại Somalia theo các thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ Liên bang và các bang thành viên ngày 17/9/2020 và 27/5/2021.
Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOM) được thành lập theo NQ 2102 (2013) ngày 03/6/2013, có nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình hòa bình và hòa giải cho Chính phủ Liên bang Somalia; hỗ trợ Chính phủ Liên bang và Phái bộ Liên minh châu Phi ở Somalia (AMISOM) về xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước trong các lĩnh vực; giúp đỡ Chính phủ Liên bang Somalia trong điều phối hỗ trợ tài trợ quốc tế; giúp đỡ xây dựng năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia. Từ 2013 đến nay, HĐBA LHQ duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần để nghe báo cáo về hoạt động của Phái bộ./.