Sáng ngày 28/9/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp định kỳ hàng tháng về tiến trình chính trị tại Syria.
Báo cáo trước HĐBA, Đặc Phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen thông báo Chính phủ Syria và phe đối lập vừa đạt nhất trí nối lại đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp do LHQ làm trung gian từ ngày 18/10/2021. Kể từ khi thành lập vào tháng 9/2019, Ủy ban này đã tiến hành 5 vòng họp, tuy nhiên đàm phán đi vào bế tắc trong suốt thời gian vừa qua. Do vậy, sau vòng họp thứ 5 vào tháng 1/2021, các bên đã tạm hoãn quá trình đàm phán và tập trung trao đổi về thủ tục hoạt động với mục tiêu đi vào trao đổi thực chất nội dung sửa đổi Hiến pháp. Để hỗ trợ tiến trình này, Đặc phái viên nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế; cho rằng đây là tiền đề quan trọng nhằm hỗ trợ Syria ổn định tình hình an ninh, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội và nhân đạo. Ông nêu đậm những khó khăn của người dân Syria do bất ổn an ninh, khủng hoảng kinh tế, tác động của COVID-19 và các biện pháp trừng phạt gây ra; bày tỏ lo ngại về việc sau hơn một thập kỷ xung đột đã có 350 ngàn người thiệt mạng được xác nhận tên tuổi, địa danh.
Trong trao đổi, các thành viên HĐBA hoan nghênh việc nối lại đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy giải pháp chính trị toàn diện trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA, hướng tới giải quyết dứt điểm khủng hoảng tại Syria.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, chia sẻ lo ngại về tình hình đặc biệt khó khăn của người dân Syria, từ đó nhấn mạnh việc cần thúc đẩy giải pháp chính trị toàn diện nhằm khôi phục hòa bình, ổn định và phát triển cho người dân Syria. Để thực hiện điều này, Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh việc cần tập trung xây dựng lòng tin giữa các bên tại Syria, cũng như bảo đảm sự thống nhất của cộng đồng quốc tế trong hỗ trợ Syria. Đại sứ kêu gọi các bên duy trì môi trường an ninh thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho đàm phán và đối thoại; nhấn mạnh các nỗ lực chống khủng bố cần được tiến hành trên phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết liên quan của HĐBA.