Sáng ngày 26/7/2021, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã thảo luận định kỳ về hoạt động của Trung tâm Ngoại giao Phòng ngừa LHQ tại Trung Á (UNRCCA). Phiên họp có sự tham dự của Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNRCCA, bà Natalia Gherman.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ hoan nghênh hoạt động của UNRCCA và cá nhân Đại diện đặc biệt Natalia Gherman trong thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa ở Trung Á, qua đó đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Đại sứ đánh giá cao các hoạt động của Trung tâm trong hỗ trợ tiến trình chính trị ở Kyrgyzstan, thúc đẩy đối thoại trong vấn đề biên giới liên quan đến Kyrgyzstan và Tajikistan cũng như trong hỗ trợ xây dựng thỏa thuận chung giữa các nước Trung Á về quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
Đại sứ Đặng Đình Quý hy vọng UNRCCA sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ các nước Trung Á trong ứng phó đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tăng cường hợp tác khu vực và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên và phụ nữ trong ngoại giao phòng ngừa. Đại sứ cũng chia sẻ quan ngại về tác động tiêu cực của tình hình Afghanistan có xu hướng gia tăng đối với các nước Trung Á và mong muốn cộng đồng quốc tế, UNRCCA và Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giảm thiểu tác động này, đóng góp vào ổn định ở khu vực.
*UNRCCA được thành lập ngày 07/05/2007 theo quyết định của Tổng Thư ký LHQ, trên cơ sở đề xuất của 5 nước Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) về việc thành lập một cơ chế khu vực để thúc đẩy đối thoại, ngoại giao phòng ngừa, hợp tác khu vực và xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống giữa 5 nước này. HĐBA tiến hành thảo luận định kỳ 6 tháng/lần về hoạt động của UNRCCA. Hoạt động của UNRCCA hiện tập trung vào các lĩnh vực chính: (i) Thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, hỗ trợ tiến trình chính trị ở các nước Trung Á; (ii) Thúc đẩy quản lý nguồn nước xuyên biên giới; (iii) Thúc đẩy xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như phòng chống tội phạm xuyên biên giới và mới đây là hỗ trợ ứng phó COVID-19; (iv) Thúc đẩy thúc đẩy hợp tác khu vực, sự tham gia của phụ nữ và thanh niên trong ngoại giao phòng ngừa./.