Ngày 14/12/2022, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức thảo luận mở về chủ đề "Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Định hướng mới cho cải tổ chủ nghĩa đa phương". Tham dự và phát biểu tại sự kiện có Tổng Thư ký LHQ António Guterres, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Khóa 77 Csaba Kőrösi và nhiều nước, nhóm nước thành viên LHQ.

Tổng Thư ký LHQ và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đều cho rằng chủ nghĩa đa phương ngày nay tiếp tục đối mặt với những thách thức phức tạp, từ chiến tranh, khủng bố, mất an ninh đến những khó khăn mới nổi do vũ khí tối tân, khủng hoảng khí hậu trong khi khung hợp tác toàn cầu không bắt kịp nhịp độ.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký LHQ khẳng định xem củng cố chủ nghĩa đa phương là ưu tiên cao nhất sẽ được ông thúc đẩy thông qua Chương trình nghị sự chung của chúng ta và các sáng kiến liên quan khác trong thời gian tới. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ trong tìm kiếm giải pháp đa phương phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Các nước thành viên LHQ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm, đồng thời cũng chia sẻ quan điểm về những thách thức, hạn chế còn tồn tại. Các nước đề xuất các biện pháp khắc phục, cải tổ chủ nghĩa đa phương theo hướng hiệu quả hơn.

Tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Đại sứ,Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã đại diện các nước ASEAN có phát biểu chung khẳng định ưu tiên, cam kết của ASEAN về tôn trọng và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. ASEAN nhìn nhận sự cần thiết phải đổi mới chủ nghĩa đa phương để ứng phó với các thách thức ngày nay.

Đại sứ đã nhấn mạnh quan điểm chung của ASEAN cho rằng cải tổ chủ nghĩa đa phương phải đồng hành với cam kết theo đuổi cách tiếp cận đa phương, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, thúc đẩy lợi ích chung và tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng.

Hệ thống đa phương phải được cải tổ với các kết quả cụ thể trong bối cảnh hệ thống này hiện chưa theo kịp với những thách thức phức tạp của Thế kỷ XXI. Theo đó,  ASEAN ủng hộ cải tổ HĐBA theo hướng phù hợp hơn, tăng cường tính đại diện, dân chủ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Tiếng nói của các nước đang phát triển, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, cần được lắng nghe hơn trong tiến trình ra quyết sách toàn cầu.

Đây là bài phát biểu chung đầu tiên của ASEAN tại HĐBA về chủ đề này, được thực hiện theo đề xuất của Việt Nam./.

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​

 Tin khác