Chiều ngày 06/10/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp nghe báo cáo về tình hình Ethiopia. Tổng Thư ký (TTK) LHQ António Guterres đã tham gia và thông tin tại cuộc họp. Đại diện Ethiopia cũng được mời tham gia cuộc họp.
TTK LHQ António Guterres cho rằng tình hình nhân đạo tại Ethiopia đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, khiến gần 7 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo, nguy cơ nạn đói đang hiện hữu. Hàng viện trợ nhân đạo chưa đến được những nơi cần thiết trong khi các chốt kiểm tra gây trở ngại quá trình vận chuyển hàng hoá, các dịch vụ cơ bản thiết yếu chưa được khôi phục toàn diện. Trong bối cảnh này, TTK LHQ cho rằng việc Chính phủ Ethiopia trục xuất các nhân viên LHQ vừa qua là không phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Hiến chương LHQ và không tuân thủ với các quy trình cần có.
TTK LHQ đề nghị Chính phủ Ethiopia tạo mọi điều kiện cho phép tiếp cận nhân đạo, các nhân viên nhân đạo phải được thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với luật nhân đạo quốc tế. Bên cạnh đó, TTK LHQ cũng đề nghị Chính phủ Ethiopia bảo đảm trang thiết bị thông tin liên lạc, khôi phục các dịch vụ cơ bản giúp đỡ người dân. TTK LHQ ghi nhận việc thành lập Chính phủ Ethiopia mới và hy vọng Chính phủ mới sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề khủng hoảng hiện nay.
Các nước HĐBA bày tỏ quan ngại quyết định trục xuất 7 nhân viên LHQ của Chính phủ Ethiopia sẽ làm ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo của LHQ đối với Ethiopia. Các nước yêu cầu Chính phủ và các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo đến được với người dân. Một số nước phản đối hành động trục xuất của Ethiopia. Bên cạnh đó, một số nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Ethiopia cũng như vai trò của các nước và tổ chức ở khu vực trong thúc đẩy đổi thoại, giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Trà lo ngại tình hình nhân đạo tại Ethiopia ngày càng xấu đi, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dân, trong đó có 400.000 người đang sống trong hoàn cảnh như trong nạn đói. Theo đó, đại diện Việt Nam kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của luật nhân đạo quốc tế để ngăn chặn nạn đói xảy ra.
Đại diện Việt Nam cho rằng ứng phó với nhu cầu nhân đạo tại Ethiopia hiện là nhiệm vụ cấp thiết nhất, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Các cơ quan LHQ, trong đó có Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan điều phối hoạt động nhân đạo LHQ (OCHA) và các đối tác quốc tế khác, đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại nước này. Việt Nam lấy làm tiếc về quyết định của Chính phủ Ethiopia trục xuất 7 nhân viên LHQ và mong muốn Chính phủ Ethiopia, LHQ và các bên liên quan đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác chặt chẽ để giải quyết các khác biệt trong vấn đề này.
Đại diện Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có quan tâm của TTK LHQ về mức độ bạo lực, giết hại thường dân, trong đó có phụ nữ, trẻ em và các nhân viên nhân đạo. Những hành động trên đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Đại diện Việt Nam cũng cho rằng cuộc xung đột hiện nay vốn xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa về chính trị, lịch sử và sắc tộc, do đó các bên cần ngừng giao tranh, tiến hành đối thoại, khởi động tiến trình chính trị do Ethiopia dẫn dắt và đặt lợi ích người dân lên trên, hướng tới giải pháp toàn diện vì ổn định và phát triển ở Ethiopia trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đề nghị cộng đồng quốc tế, trong đó có HĐBA LHQ nỗ lực ủng hộ Ethiopia vượt qua khó khăn hiện nay trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ethiopia./.
*Ngày 30/9, Ethiopia đã thông báo 7 nhân viên LHQ phải rời Ethiopia trong vòng 72 giờ với lý do Bộ Ngoại giao Ethiopia nêu là "can thiệp vào công việc nội bộ của Ethiopia". Các nhân viên này là bà Adele Khodr, Đại diện UNICEF tại Ethiopia; Ông Sonny Onyegbula, Trưởng nhóm giám sát viên, báo cáo viên của OHCHR; Ông Kwesi Sansculotte, Cố vấn phát triển và hòa bình của UNDP; Ông Saeed Mohamoud Hersi, Phó Trưởng Văn phòng OCHA; Ông Grant Leaity, Phó điều phối viên nhân đạo OCHA; Bà Ghada Eltahir Mudawi, Phó điều phối viên thường trực OCHA; Bà Marcy Vigoda, Trưởng Văn phòng OCHA.