Thay thế cho Hội nghị các Nhà tài trợ (CG), Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao có tính thực chất hơn, hướng tới hành động và đối tượng bao phủ hơn. Diễn đàn tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và trong nước, các viện nghiên cứu,…nhằm tăng cường phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho mọi người dân Việt Nam.

Diễn đàn tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: Giảm nghèo và giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh; tăng cường hiệu quả của các hệ thống quản lý môi trường và nâng cao tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng và đào tạo nghề.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã cùng các nhà tài trợ quốc tế hợp tác hiệu quả, tiến hành thành công các Hội nghị Nhóm tư vấn CG hằng năm. Từ nước kém phát triển đầu những năm 1990, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời Việt Nam đã sớm hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và xóa đói giảm nghèo. Đây là niềm tự hào, là niềm vui chung của Việt Nam và các Nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, có hiệu quả và rất thành công. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của các nhà tài trợ trong thời gian qua.

"Trong bối cảnh phát triển mới, thay cho Hội nghị CG, năm nay chúng ta cùng chứng kiến Việt Nam, từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, trở thành quốc gia đối tác phát triển, lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF), tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông báo về tình hình kinh tế-xã hội và định hướng cho những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và có hướng tốc độ tăng trưởng cao hơn. Năm 2013 tăng trưởng GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6%/năm, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1960 USD. Dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.

Từ năm 2011-2013, Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và sửa đổi một số bộ luật quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác và nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... có các tiêu chuẩn cao về kinh tế thị trường và dự kiến kết thúc trong 2014-2015. Đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ đột phá về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn với sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp và mọi người dân.

Đồng chủ trì Diễn đàn, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa chúc mừng Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được qua các văn bản pháp luật mới được thông qua gần đây như: sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...

Tuy vậy, theo bà Kwakwa, mức độ tăng trưởng vẫn còn chậm. Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ.

"Chúng ta tin tưởng rằng VDPF sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác thông qua đối thoại chuyên sâu và qua đó tìm ra các hành động cụ thể, cùng nhau thực hiện giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình", bà Kwakwa nói.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam đã kiềm chế thành công lạm phát, tăng được dự trữ ngoại hối nhưng những tiến bộ với sự ổn định vĩ mô vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa. Những nỗ lực ổn định vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và ADB cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Linh An

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​