Việt Nam là nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng nhất vì có thị phần xuất khẩu vào Indonesia đạt khoảng 50-60% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng tôn lạnh của nước này
Việt Nam đã chính thức đệ đơn kiện Indonesia lên tòa án của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc nước này áp đặt tự vệ thương mại với mặt hàng thép cán không hợp kim (tôn lạnh) nhập khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngày 3/6, Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã xác nhận thông tin này.
VSA cho biết sau khi được Chính phủ đồng ý, cơ quan này đã có thông báo chính thức đến Ban thư ký của WTO về vụ kiện. Yêu cầu này cũng đã được thông báo tại trang web chính thức của WTO. Hiện Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho khởi kiện Indonesia và giao cho Bộ Công Thương thực hiện. Cùng đó, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Indonesia đề nghị tham vấn giải quyết sự việc bằng thương lượng với Indonesia theo thủ tục giải quyết tranh chấp tại WTO. Mục đích của việc tham vấn theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO nhằm tạo cơ chế để các thành viên của tổ chức này giải quyết những quan ngại thương mại thông qua thương lượng và hòa giải.Nhưng nếu, trong vòng 60 ngày, nếu thương lượng không thành, WTO sẽ phân xử và ra phán quyết đối với vụ tranh chấp.
Việt Nam hy vọng sau cuộc tham vấn, hai bên sẽ đạt được sự đồng thuận về giải pháp giải quyết vụ việc mà không phải yêu cầu WTO thành lập Ban Hội thẩm để xử lý tranh chấp, đặc biệt khi hai nước đều là thành viên ASEAN.
Nguyên nhân vụ kiện xuất phát từ ngày ngày 7/7/2014, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành Thông tư Thông tư 137.1/PMK.011/2014, quyết định áp thuế tự vệ thương mại trong 3 năm (2014-2106) đối với mặt hàng tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế rất cao, khoảng gần bằng 50% xuất khẩu của sản phẩm này cho năm 2014, 46% cho năm 2015 và 41% năm 2016, mà không qua tham vấn của Chính phủ Việt Nam. Theo VSA, điều này đã vi phạm các quy định của WTO về quy trình thủ tục liên quan đến quyền được thông tin và tham vấn của các nước xuất khẩu.
Việt Nam là nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng nhất vì có thị phần xuất khẩu vào Indonesia đạt khoảng 50-60% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng tôn lạnh của nước này. Sau quyết định trên, Tập đoàn Hoa Sen - doanh nghiệp xuất khẩu tôn lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Indonesia, đã không thể tiếp tục xuất khẩu được mặt hàng này.
Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Luật sư của Tập đoàn Tôn Hoa Sen,Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (KPPI) có một số dấu hiệu vi phạm các điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ thương mại được quy định trong Hiệp định SafeGuard như: như không chứng minh được đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng, không có sự phân tích đầy đủ về những diễn tiến không lường trước được, mối đe dọa nhân quả giữa việc nhập khẩu sản phẩm tôn lạnh và thiệt hại của ngành công nghiệp nội địa, không có sự phân tích đầy đủ về tác động của các yếu tố khác gây thiệt hại ngoài sự gia tăng nhập khẩu.
VSA cho rằng vụ kiện sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ các vụ điều tra sắp tới từ chính thị trường Indonesia, cũng như các thị trường khác như: Malaysia, Thái Lan, Philippines,... Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam tránh bị áp mức thuế rất cao trong 3 năm đầu tiên, thậm chí 150% so với giá bán trong năm đầu tiên (khoảng 430 USD/tấn), giảm xuống gần 139% trong năm thứ 3 (gần 312 USD/tấn)..
Việc khởi kiện ra WTO như một thông điệp của Việt Nam sẵn sàng ủng hộ tích cực quyền lợi của các nhà xuất khẩu của Việt Nam trước các vi phạm trong hoạt động tự vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Kim Liên