Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (Viet Nam Business Forum - VBF) là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hoá môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Năm nay, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ được tổ chức ngày 9/6/2015 tại Hà Nội, với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế". Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Ngoại giao... Đại diện Lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Diễn đàn tập trung các nội dung chính: Tổng quan về môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư – vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; ngân hàng và thị trường vốn – phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính; cơ sở hạ tầng – yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP, tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo quy hoạch điện VII.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu khai mạc. Bộ trưởng khẳng định kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng, tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo năm 2015, GDP Việt Nam sẽ là 6,2% hoặc có thể cao hơn, an sinh xã hội tiếp tục đảm bảo. Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; thị trường nông sản gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư PPP, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với các doanh nghiệp…
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Eurocham, Amcham, Kocham, JBAV, Nordcham đã có những phát biểu nhận định tổng quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do TPP, FTA Việt Nam – EU đang là mối quan tâm của các nhà đầu tư, đây sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức khi gia nhập. Ngoài ra, các đại diện hiệp hội còn nêu lên những quan tâm khung khổ pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Đặc biệt, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mà Việt Nam vừa mới ký kết và đang đàm phán như FTA với EU, TPP. Việt Nam cũng cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Cần thúc đẩy tái cơ cấu khu vực ngân hàng theo hướng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia; Theo Bà Virginia B. Foote đồng Chủ tịch VBF cho biết Luật Đầu tư Việt Nam đưa ra danh mục gồm 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. So với quốc gia khác, thì danh mục này quá nhiều, thủ tục còn rườm rà. khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại nhiều quốc gia thì chỉ cần một bộ phê chuẩn, nhưng ở Việt Nam, ngoài sự phê chuẩn của bộ chủ quản, nhà đầu tư còn phải trải qua nhiều thủ tục rườm rà.
Tại phiên về thương mại, đầu tư, nhóm công tác đã nêu lên vấn đề đầu tiên về công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài. Hiện nay, phần lớn các phán quyết của trọng tài nước ngoài hay trong nước, không được các toà án Việt Nam tôn trọng và không được thừa nhận với những lý do về kỹ thuật không chính xác. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng việc xây dựng khung khổ pháp lý để trọng tài trở thành sự bổ sung quan trọng cho hệ thống tư pháp là yếu tố quan trọng trong việc thu hút thương mại, đầu tư nước ngoài trong những năm qua. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về thi hành luật doanh nghiệp; dự thảo thông tư về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng; dự thảo thông tư về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; dự thảo quy định về quản lý mỹ phẩm; vấn đề quản lý thuế cũng đã được đề cập. Ngoài ra, Nhóm công tác nêu một số nội dung về Luật Kinh doanh bất động sản mới và Luật Nhà ở mới sẽ làm hạn chế các quyền của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản.
Tại phiên ngân hàng và thị trường vốn, Nhóm công tác ngân hàng đã đưa ra nhiều vấn đề uỷ thác, chấp nhận uỷ thác của tổ chức tín dụng, quản lý hoạt động ngoại hối, công khai kết luận thanh tra… với mục tiêu là xây dựng một hệ thống ngân hàng có kỷ cương, minh bạch để đảm bảo có được ngành tài chính vững mạnh hỗ trợ tăng trưởng. Nhóm về công tác thị trường vốn đã thẳng thắn nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt so sánh với các nước ASEAN, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rất tích cực lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời cố gắng hỗ trợ nhà đầu tư nhưng những nhân tố làm thị trường chứng khoán đi xuống dường như không thuộc thẩm quyền của UBCKNN, mà đòi hỏi quyết sách kịp thời và cương quyết từ Chính phủ. Để đẩy mạnh và phát triển thị trường chứng khoán, nhóm công tác đã đưa ra 3 kiến nghị là cổ phần hoá và niêm yết các Doanh nghiệp Nhà nước, tăng sở hữu nước ngoài; thành lập quỹ hưu trí tự nguyện. Mục đích là để thu hút dòng vốn mới từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, tạo thêm nguồn cẩu đối với thị trường tài chính.
Tại phiên về cơ sở hạ tầng, gồm hai chủ đề thảo luận chính: (i) yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư the hình thức đối tác công tư (PPP); (ii) tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo Quy hoạch điện VII. Đối với chủ đề liên quan đến PPP, Nghị định PPP đã được ban hành vào đầu năm 2015, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn, thì những quy định này chưa đủ sức thuyết phục, nhiều lý do khiến nhà đầu tư còn dè dặt khi tham gia PPP tại Việt Nam, đặt biệt là về sự trì hoãn, chậm trễ trong phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là thị trường vốn trong nước chưa đủ lớn, thị trường chứng khoán kém phát triển, các quỹ đầu tư còn ít. Bên cạnh đó những nguyên tắc khác về nâng cao năng lực, chuẩn hoá số liệu dự án, các điều khoản hỗ trợ thiếu hụt tính khả thi, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư... Nghị định về PPP mới ban hành chưa có nội dung chi tiết về việc các hoạt động phân chia rủi ro giữa các bên. Trong khi "các nội dung mang tính bảo vệ quyền lợi của Nhà đầu tư mới là vấn đề họ mong mỏi nhất". Tuy nhiên, giải đáp những lo ngại trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đang triển khai tích cực việc xây dựng quỹ hỗ trợ cho cho các dự án. Tuỳ từng dự án, tuỳ quy mô sẽ có quy định và tính toán hiệu quả mức hỗ trợ của nhà nước hay không.
Sau các phiên chuyên đề, Thủ tướng đã phát biểu tổng kết Diễn đàn, khẳng định, thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp như: tiếp tục quản lý, điều hành để đảm bảo tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn, đảm bảo lạm phát không quá 5%, không chỉ cho năm 2015 và cho những năm sau; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với tín hiệu thị trường, tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo ít nhất 12 tuần nhập khẩu, đảm bảo bội chi 2015 là 5% và 5 năm tới (2016 – 2020) sẽ thấp hơn mức 5%. Cùng với đó là đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, đảm bảo hiệu quả của đầu tư công. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10 – 15%, nhập siêu không quá 5%.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu năm 2015 tăng trưởng đạt 6,2%, gắn liền với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công để đầu tư hiệu quả hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, lành mạnh, để đến năm 2016 không còn ngân hàng yếu kém và đưa nợ xấu xuống mức còn 3% - mức thông thường trong hoạt động kinh tế thị trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Với chủ đề và các nội dung đưa ra thảo luận đúng hướng vào những vấn đề "nóng" của nền kinh tế, Diễn đàn đã chỉ rõ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt. Các đề xuất, kiến nghị chính xác, kịp thời của doanh nghiệp về các nội dung cần điều chỉnh sửa đổi, bổ sung đối với khung pháp luật chính sách hiện hành. Về các giải pháp và điều hành nền kinh tế, điều hành doanh nghiệp của chính phủ đã được các Bộ, ngành tiếp nhận giải đáp. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành một kênh đối thoại trực tiếp, một hoạt động không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp hàng năm./.
Hương Trà