Quang cảnh hội thảo
Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) đã mở ra con đường lớn cho doanh nghiệp. Nhưng đi trên con đường đó như thế nào lại là câu chuyện khác. Đây là nhận định được nêu ra tại hội thảo về Hiệp định VKFTA: "Nội dung cam kết và tác động đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21/5.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Chia sẻ thông tin với các DN, đại diện Trung tâm WTO (trực thuộc VCCI) cho biết: Trải qua 8 vòng đàm phán chính thức, Việt Nam và Hàn Quốc đã đi đến thống nhất các điều khoản, mang lại cơ hội hợp tác tốt hơn cho DN 2 nước. Trong đó, điểm đáng chú ý là Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm đối với nước này, như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Tại Hàn Quốc, thuế suất nhập khẩu đối với những mặt hàng này là rất cao, từ 241-420%. Do đó, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đổi lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 phân khối trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện. Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác. Bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho biết DN Việt không cần quá lo lắng là không cạnh tranh được, bởi cơ cấu sản phẩm giữa hai bên tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp. "Với việc ký kết VKFTA, Chính phủ đã mở con đường lớn cho doanh nghiệp. Nhưng đi trên con đường như thế nào lại là việc khác, trong đó điều cốt lõi là nỗ lực của DN", bà Trang nhấn mạnh.
Thách thức từ thị trường Hàn Quốc
Một cuộc điều tra của VCCI mới công bố tháng 3/2015 với phản hồi từ hơn 10.000 DN trong toàn quốc cho thấy, mặc dù khoảng 70% DN có nghe nói tới TPP, nhưng số thực sự biết sâu về TPP là rất ít (chỉ khoảng 3-5% tùy theo ngành nghề). Đây chính là điều mà ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng Phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), Điều phối viên Hiệp định VKFTA còn khá băn khoăn. Ông Tuyên cho biết việc ký kết các hiệp định thế này tuy mở ra cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức. Có trường hợp sau khi ký kết, lượng xuất khẩu tăng lên nhanh nhưng sau đó chậm lại vì nhiều lý do, nếu không có giải pháp mới. Với kinh nghiệm nhiều năm ở Hàn Quốc, ông Tuyên cho biết các DN Việt Nam có thể phát triển các mặt hàng như thủy, hải sản, hoa quả nhiệt đới, tỏi, ớt để làm kim chi.
Tuy nhiên, Hàn Quốc có yêu cầu cao về quy trình chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc… giám sát rất chặt chẽ việc này. Bên cạnh đó, người Hàn Quốc từ các em học sinh cũng được giáo dục đầy đủ về ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa. Do đó, không dễ gì các thương hiệu, sản phẩm của nước ngoài có thể cạnh tranh với hàng Hàn Quốc. Các DN Việt cần liên kết với các nhà phân phối có thương hiệu của Hàn Quốc để thâm nhập thị trường này. Ngoài ra, các DN cũng cần chủ động tìm kiếm các thông tin về thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ cũng là một vấn đề đối với những DN nhỏ, bởi những website có thông tin về các chuyên ngành hẹp thường bằng tiếng Hàn Quốc chứ ít sử dụng tiếng Anh.
Một kinh nghiệm được ông Tuyên chia sẻ là người Hàn Quốc làm việc với cường độ khá cao và ra quyết định nhanh. Do đó, khi trao đổi thông tin với đối tác là các DN Hàn Quốc, cần cung cấp thông tin bao quát, đầy đủ về mặt hàng, giá cả, cũng như khả năng thực hiện. DN Việt Nam cần hết sức tránh việc phản hồi chậm chạp hay đưa ra những kế hoạch không phù hợp với năng lực thực hiện.
Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) Hong Sun đề nghị các DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các mặt hàng thuộc sở trường của mình bởi có rất nhiều nhóm mặt hàng được giảm thuế theo Hiệp định đã ký kết. Tuy nhiên, không phải DN Việt Nam nào cũng đủ khả năng về thời gian, chi phí để làm điều này.
Tại Hàn Quốc, các DN nhỏ và vừa được các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin, quảng bá rất hiệu quả. Tại các tập đoàn lớn đều có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về các hiệp định FTA, để từ đó đặt ra các kế hoạch cho DN. Điều này sẽ làm nông sản Việt khó cạnh tranh được tại Hàn Quốc bởi tại đây, các trung tâm, chợ đầu mối hiện đại, phương thức bán đấu giá đã tạo ra một thị trường lành mạnh, sản phẩm có sức cạnh tranh tốt.
Nguồn: chinhphu.vn