Chủ đề "Hành trình vào một thế giới mới" của Hội nghị năm nay được đưa ra giữa lúc kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, thất nghiệp, khủng hoảng nợ công... Quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam (VN) nói riêng đang diễn ra ở mọi tầng nấc, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị là dịp để VN đưa ra thông điệp về quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện tại, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư; giới thiệu về đường lối, những ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Từ "Ngôi sao đang lên"...
Không phải ngẫu nhiên một tập đoàn có uy tín lớn, chuyên tổ chức các hội nghị tương tự khắp nơi trên thế giới - The Economist (Anh quốc) chọn VN để tổ chức Hội nghị này. Chính những thành tựu kinh tế nổi bật của VN trong thời gian đó đã thuyết phục nhà tổ chức làm cầu nối cho doanh nghiệp thế giới với VN - nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á.
Những con số ấn tượng về tốc độ tăng trưởng (8,44%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… đã đưa VN vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực châu Á năm 2007, khiến không ít các nhà đầu tư lớn của thế giới phải tò mò. Hội nghị "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á" đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế muốn tìm hiểu sâu hơn môi trường kinh doanh ở VN; đồng thời tạo diễn đàn để Chính phủ VN cung cấp thông tin, đối thoại trực tiếp với giới kinh doanh thế giới; kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới; quảng bá hình ảnh Việt Nam - một ngôi sao đang lên ở châu Á.
Tại Hội nghị, sự tham dự và nội dung trao đổi thẳng thắn, thiết thực về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách đầu tư kinh doanh của VN của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng các lãnh đạo Bộ, ngành khác đã tạo ấn tượng và được đánh giá rất cao. "Sự trao đổi thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã tạo ấn tượng tốt trong con mắt các nhà đầu tư. "Qua hội nghị, chúng tôi lắng nghe được ý kiến và định hướng chủ trương của Chính phủ, đồng thời chia sẻ những ý kiến của riêng mình vì lợi ích chung và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp" - Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital nói.
Kết quả vượt quá sự mong đợi, hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của số đông các nhà đầu tư quốc tế.Trong kế hoạch sẽ chỉ có 150 doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị bàn tròn, nhưng con số thực tế đã lên hơn gấp đôi, cùng khoảng 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành. Sau đó, có nhiều ý kiến cho rằng một kết quả quan trọng của Hội nghị 2008 là đã tạo cảm hứng và sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần không nhỏ vào con số kỷ lục hơn 60 tỷ USD FDI vào nước ta trong năm 2008.
"Định vị Việt Nam trong tương lai" - nhìn lại để bước tiếp
Sau một giai đoạn phát triển và tăng trưởng sôi động, ở VN xuất hiện dấu hiệu của những nguy cơ tiềm tàng và từ thời điểm này tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn. Cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu hụt lao động lành nghề và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện là những trở ngại lớn mà VN phải vượt qua khi bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo. Nền kinh tế bắt đầu bộc lộ dấu hiệu quá nóng. Lạm phát năm 2008 ở mức 25,2% và thị trường chứng khoán vẫn sụt giảm cho dù có sự lạc quan từ quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thị trường tín dụng - tiền tệ căng thẳng...
Những cú sốc trên thị trường thế giới đã tạo ra những thách thức mới mà trong thời gian tiếp theo Chính phủ VN sẽ phải đối mặt. Liệu các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục cam kết cải cách kinh tế và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô? Chính phủ sẽ đi theo lộ trình nào để đạt mục tiêu biến Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2020? VN sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực bằng cách nào khi chi phí sản xuất và giá cả tiếp tục tăng?…
Prakriti Sofat của HSBC khẳng định: "Hội nghị Kinh tế lần II đã giúp cho những người làm chính sách hiểu được những vấn đề đan xen nhau mà các nhà đầu tư đang gặp phải, từ đó có những chính sách, hành động cụ thể". Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm và chính sách của Chính phủ VN trong các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, công nghiệp, cổ phần hóa, cơ sở hạ tầng, gói giải pháp chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chiến lược giáo dục đào tạo, du lịch... bên cạnh đó, đã giải đáp các thắc mắc của các đại biểu, chia sẻ những khó khăn, cũng như thể hiện quyết tâm của Chính phủ VN trong việc đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Có thể nói, qua các cuộc đối thoại, Chính phủ VN và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã có dịp hiểu nhau hơn, tính minh bạch và cởi mở của nền kinh tế Việt Nam được cải thiện rõ rệt.
Đại diện The Economist, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các diễn giả đều cho rằng, các chính sách của Chính phủ VN cho thấy quyết tâm cao trong Đổi mới, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến đánh giá cao về sự điều hành của Chính phủ VN trong việc kiềm chế lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Sự chỉ đạo của Chính phủ VN trong thời gian qua là kịp thời, quyết liệt, can đảm nên đã tránh được sự đổ vỡ kinh tế. Việc tham gia WTO, AFTA của Việt Nam đã tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, qua Hội nghị các đại biểu đã đề nghị cải cách khu vực tài chính và tiếp tục cải cách kinh tế thông qua các chính sách biến VN thành điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư cam kết tiếp tục ủng hộ Chính phủ VN, tiếp tục đầu tư, hợp tác để cùng vượt qua khó khăn, kể cả hỗ trợ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Nối tiếp thành công của Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại lần I, II, Hội nghị năm nay tiếp tục đi vào thực chất, với chủ đề "Hành trình vào một thế giới mới" sẽ xoay quanh các vấn đề "nóng": Vai trò của Việt Nam tại Châu Á và trên thế giới; Nhận diện tiến trình phát triển mới của Việt Nam; Triển vọng kinh tế và tài chính của Việt Nam; Nắm bắt cơ hội Phát triển nền công nghiệp của Việt Nam; Dân số năng động và Ứng phó với những thách thức môi trường. Hy vọng rằng, những kết quả đạt được từ Hội nghị sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống, góp phần làm giàu thêm hành trang của Việt Nam để bước vào một thế giới mới.
Minh Anh