​​​​
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã có nhiều cuộc làm việc quan trọng với một số Bộ ngành của Việt Nam, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải. Ông Tony Blair cũng tham dự và là diễn giả tại Tọa đàm Triển vọng chính trị, kinh tế thế giới và khu vực châu Á năm 2015 và hàm ý chính sách cho Việt Nam; "Xu hướng đầu tư toàn cầu: Những khuyến nghị đối với Việt Nam"... Tại  các sự kiên, cựu Thủ tướng Tony Blair nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng và đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ông đánh giá cao những quyết tâm của Việt Nam trên con đường đổi mới, mở cửa, đồng thời cho rằng, với những kết quả phát triển và hội nhập đã đạt được, đây là thời điểm để Việt Nam nâng tầm phát triển lên một bước mới.

Cựu Thủ tướng Anh cho biết, ông sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực hợp tác; xây dựng thành công các mô hình trong các lĩnh vực hợp tác công tư, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và thúc đẩy đầu tư, từ đó nhân rộng và có thể đưa vào các kế hoạch phát triển dài hạn của Việt Nam. Ông cũng cho biết sẽ chọn các dự án cụ thể để triển khai theo mô hình đối tác công tư; đưa các nhà đầu tư lớn tham gia các dự án tại Việt Nam và giới thiệu các tập đoàn lớn làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa của Việt Nam. Ngoài ra, ông Tony Blair thông báo sẽ có các hoạt động hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo với Việt Nam.

 Không gặp chống đối không phải cải cách

            Trong buổi nói chuyện tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước là đề tài được bàn tới nhiều nhất. Thời gian gần đây, tiến trình thoái vốn Nhà nước, cụ thể là tư nhân mua lại phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã bất ngờ khởi sắc. Việc Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp này được nhận định là nguyên nhân chính dẫn đến sự đảo chiều so với tình trạng ế ẩm trước đây. Như vậy cổ phần hóa không sợ "ế hàng", vấn đề là cách bán và bán với giá bao nhiêu?

Mở đầu thuyết trình, ông Tony Blair thẳng thắn: "Câu hỏi quý vị đặt ra là bây giờ Việt Nam tiếp tục phát huy những gì để tạo thịnh vượng, sự thay đổi trong thời gian tới. Cải cách DNNN là một phần của sự thay đổi đó!". Chia sẻ kinh nghiệm 10 năm làm Thủ tướng Anh, ông Blair nêu rõ tất cả cải cách đều khó khăn, nhưng để một quốc gia tiến bộ, phát triển thì phải có cải cách, trong đó, cổ phần hóa DNNN là công việc không thể trì hoãn, vấn đề là cách làm thế nào. Đã cải cách bao giờ cũng gặp phải chống đối, nhưng có như vậy mới gọi là cải cách. Theo ông Blair, "khi thay đổi hệ thống bao giờ cũng có người không thích, họ tin rằng nếu họ làm việc cho DNNN thì ổn định hơn", nhưng ông khẳng định "dần dần việc cải cách sẽ tạo được lợi ích lớn hơn sự phản kháng". Bài học từ nước Anh cho thấy, cải cách DNNN sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, tăng sức mạnh nền kinh tế. Trong 20-30 năm qua, trên toàn thế giới, việc tư nhân hóa DNNN đã diễn ra, nhưng những cải cách DNNN đều khó khăn.

Tuy nhiên, trong công cuộc cải cách này, không phải bài học nào cũng hữu ích cho Việt Nam. Chẳng hạn, ông Tony Blair cho rằng, bài học của Nga không phải bài học hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình cải cách DNNN. Quá trình tư nhân hóa ở Nga không tiến hành theo đúng cách thức cần phải diễn ra.

Vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình rất quan trọng và câu chuyện minh bạch sẽ được giải quyết tốt nếu chúng ta có một khuôn khổ pháp lý tốt. Từ đó, việc quản lý sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng thay vì quản lý, sở hữu hay bảo lãnh cho các DNNN thì Nhà nước chỉ nên đóng vai trò điều tiết. Vấn đề mấu chốt là hiệu quả của doanh nghiệp chứ không phải là hình thức sở hữu nào của Nhà nước đối với doanh nghiệp" - Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhấn mạnh. Theo ông Tony Blair, kỷ nguyên nhà nước nắm quyền chi phối doanh nghiệp chỉ thịnh hành trong những năm 1940-1950. Tuy nhiên, thực tế theo thời gian, người ta đã nhận ra tính không hiệu quả của mô hình đó. Chính phủ không hiệu quả lắm trong điều hành các tổ chức kinh tế, kinh doanh, nhất là không hiệu quả trong đổi mới, tăng sáng kiến trong doanh nghiệp. Trong khi đó, việc quản lý doanh nghiệp luôn cần đổi mới, sáng tạo.

Với kinh nghiệm từ 6 nước, văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair đưa kiến nghị: Chính phủ Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu của nhà nước và lộ trình cụ thể để thực hiện cải cách. Lộ trình cũng phải phân rõ trách nhiệm thực hiện, cùng khung thời gian và các sự kiện quan trọng. Kiến nghị nêu rõ, Việt Nam cần xác định rõ việc theo đuổi cổ phần hóa là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm chuyển sang nền kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, giảm nợ Chính phủ - hay đó chỉ là kết quả của các áp lực quốc tế từ cam kết WTO hay từ các hiệp định thương mại tự do...

Dựa trên quan điểm rõ ràng, văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair khuyến nghị Việt Nam phát triển các chính sách để hỗ trợ quá trình tư nhân hóa. Ngoài ra "cần nỗ lực cải thiện cách thông tin về cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhấn mạnh những gì là mục tiêu của Chính phủ".

Chính sách cần có tính thực thi

Nói tới tính thực thi của chính sách, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, cựu Thủ tướng Anh cho rằng, nếu các vấn đề cứ chỉ trao đi đổi lại mãi thì chẳng khác nào những người ngồi trên giảng đường. Các nhà đầu tư thích mọi công việc đều cần nhanh chóng triển khai. Trong khi Việt Nam không những muốn thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, mà còn từ trong nước. Một khi có cơ chế hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng giao thông thì nhà đầu tư sẽ dễ dàng trong việc lựa chọn đầu tư đường cao tốc hay sân bay. Với những nguồn vốn FDI, cần phải có hướng dẫn về dự án một cách cụ thể để các nhà đầu tư có thể thấy rõ. Các dự án công tư (PPP) đều phải cụ thể hóa.

Ngoại giao là công cụ để gắn kết các nước và thúc đẩy những cơ hội kinh tế

Thuyết trình tại Tọa đàm Triển vọng kinh tế - chính trị thế giới và khu vực Châu Á năm 2015 và hàm ý chính sách cho Việt Nam, theo ông Tony Blair, vai trò của Bộ Ngoại giao mỗi nước hiện nay có nhiều thay đổi so với trước đây. Ngoại giao cần kịp thời nắm bắt các xu hướng của thế giới và khu vực, có tầm nhìn chiến lược, gắn kết chặt chẽ chính trị và kinh tế, đề cao vai trò của hội nhập và ngoại giao đa phương, góp phần xác định đúng vị trí của đất nước trên bản đồ thế giới và khu vực.

Ông Tony Blair cho biết, ông nghĩ rằng một trong những điều thú vị nhất đang diễn ra trên toàn cầu là sự kết hợp công tư cùng với nhau. "Chúng ta có thể thấy mô hình châu Âu hiện nay chính xác là những điều mà chúng ta cần. Khuyến nghị mà tôi dành cho Việt Nam đi theo cách thức đó là mô hình phát triển kinh tế, trong đó nhà nước và thị trường hợp tác làm việc cùng với nhau" ông Blair nói.

Nguyên Thủ tướng Anh cho rằng, các nước phải quản lý được các mối quan hệ và làm sao để cân bằng sự phát triển với các thách thức. Hay nói cách khác là phát triển một cách hòa bình với phần còn lại của thế giới. Bởi vì ảnh hưởng của kinh tế sẽ củng cố không nhỏ cho tầm ảnh hưởng chính trị của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, càng thấy rõ vai trò trung tâm của ngoại giao trong bức tranh toàn cảnh của phát triển và hội nhập tại mỗi nước. Trong bối cảnh thế giới đang phát triển một cách rất nhanh chóng thì các nước cần thực hiện cải cách nhằm vượt qua những thách thức của sự thay đổi. Ngoại giao là công cụ để gắn kết các nước và thúc đẩy những cơ hội kinh tế.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khẳng định, thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng trên nhiều khía cạnh, từ kinh tế, công nghệ đến cách thức các quốc gia vươn lên và ứng xử với các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao của các nước ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn, cũng như công tác Ngoại giao kinh tế đang trở thành mũi nhọn trong chính sách đối ngoại của các quốc gia. Đưa ra những dẫn chứng cụ thể, cựu Thủ tướng Anh khẳng định Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn. Bằng những chính sách thông thoáng, Việt Nam hiện là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đang đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Tuy nhiên, nhằm nắm bắt tốt nhất môi trường chính trị, kinh tế biến đổi liên tục ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, ông Tony Blair đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng cho đối ngoại Việt Nam. Theo đó, Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh nhiệm vụ mở ra cơ hội kinh tế cho đất nước, bao gồm việc thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tiếp thị hình ảnh đất nước tới bạn bè thế giới. Cùng với đó, hoạt động ngoại giao cần kết nối chặt chẽ và có nhận thức sâu sắc về các thể chế quốc tế khác nhau, từ ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) cho đến khu vực mậu dịch Mỹ Latinh. Cựu Thủ tướng Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của ngoại giao không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin mà còn kịp thời nắm bắt các xu hướng của thế giới và khu vực, có tầm nhìn chiến lược, gắn kết chặt chẽ chính trị và kinh tế, góp phần xác định đúng vị trí của đất nước.

Cúc Nhi

 ​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​