Các nước Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam thống nhất áp dụng hệ thống "kiểm tra một cửa, một điểm dừng" tại các cửa khẩu nhằm tăng cường kết nối kinh tế và hợp tác trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây. Thỏa thuận về sáng kiến trên đã đạt được tại Hội nghị cấp Thứ trưởng Ngoại giao của 4 nước lần thứ 3 về Phát triển Hành lang Kinh tế Đông Tây tổ chức tại Bangkok ngày 20/5/2015.

Các quốc gia sẽ chuẩn hóa quy định và thủ tục kiểm tra tại các cửa khẩu để tạo ra những quy định đồng bộ để thực hiện hệ thống "kiểm tra một cửa, một điểm dừng" tại các cửa khẩu. Sáng kiến sẽ đơn giản hóa và hòa hợp các hình thức và thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước. Sáng kiến được thống nhất sau khi hệ thống kiểm tra một cửa, một điểm dừng được khai trương tại cửa khẩu Lao Bảo – Dansavan của Lào và Việt Nam. Mô hình kiểm tra một cửa, một lần dừng nhằm giảm thiểu số lượng văn phòng mà người vận chuyển phải qua, cũng như số lượng giấy tờ đòi hỏi phải xuất trình tại các cửa khẩu. Hệ thống cũng cho phép các đối tác thương mại khai báo xuất/nhập khẩu khi quá cảnh vào và ra khỏi các nước tại một điểm.

Chính phủ các nước trong khu vực quyết định đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống để tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các nước. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 6 tổ chức tại Viêng Chăn tháng 3/2013, các nhà lãnh đạo đã thống nhất hệ thống kiểm tra một cửa, một lần dừng sẽ được thành lập tại các cửa khẩu có đủ điều kiện để tăng cường kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch và giao thông giữa 4 nước. Hội nghị Bangkok tuần trước cũng đã kiến nghị thành lập các khu kinh tế xuyên biên giới để đẩy nhanh sự chuyển biến của AEC; tạo ra các liên kết về chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các nước Đông Nam Á.

Hành lang Kinh tế Đông – Tây có chiều dài 1.320 Km, là tuyến đường bộ liên tục nối giữa Biển Đông và Biển Andaman - là một sáng kiến nhằm tăng cường phát triển và hội nhập giữa Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Đây là một trong các tuyến hành lang được đưa vào chương trình Tiểu vùng sông Mê Kông Mở rộng (GMS) do ADB hỗ trợ từ năm 1992, bao gồm 4 nước nêu trên cộng Campuchia và Trung Quốc. 

(Nguồn: ĐSQVN tại Lào)

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​