​​​
​​TTIP đã bàn sang các vấn đề cụ thể

Vòng đàm phán lần thứ bảy về Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ  diễn ra tại Chevy Chase, Maryland, ngoại ô Washington đã đạt nhiều tiến triển. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ về TTIP - Dan Mullaney cho biết cuộc đàm phán đang ở trong giai đoạn mà các thành viên đoàn đàm phán đã chuyển từ nội dung chung của TTIP sang các vấn đề cụ thể, cũng như xem xét nội dung các đề xuất của hai bên.

 Thỏa hiệp trong nhiều lĩnh vực

Trưởng đoàn đàm phán EU - Ignacio Garcia Bercero cũng chia sẻ quan điểm trên và cho biết thêm "trong nhiều lĩnh vực, các văn bản đề nghị của Mỹ và EU đã đến được với nhau''. Theo ông Garcia Bercero, vòng đàm phán lần này tập trung nhiều vào vấn đề quan trọng của TTIP trong tương lai, bao gồm các luật lệ quy định chung về nhiều lĩnh vực, như quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn, đánh giá về sự tương thích hài hòa và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai bên đã bàn về ngành dịch vụ và tìm cách tăng khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Mỹ và EU đều chưa xác định vòng đàm phán TTIP tiếp theo sẽ diễn ra khi nào, nhấn mạnh rằng còn rất nhiều thách thức cần phải giải quyết trong các vòng đàm phán tới.

TTIP được Mỹ và EU chính thức khởi động vào tháng 7/2013, khi Mỹ và EU muốn tạo ra một hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới. TTIP còn nhằm mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa EU với Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ban đầu, Mỹ và EU đặt thời hạn cho việc hoàn tất TTIP là vào cuối năm 2014, song các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp, do những phản ứng và lo ngại của hai bên về một số vấn đề, trong đó có việc bảo vệ người tiêu dùng và mở cửa thị trường nông nghiệp.

 Nhóm dệt may tỏ rõ lập trường

Tại vòng đàm phán lần này, các nhóm đại diện cho các thương hiệu và các nhà bán lẻ hàng may mặc ở cả Mỹ và EU đã đưa ra quan điểm của họ về những ưu tiên choTTIP. Một bức thư chung đã được gửi đến các nhà lãnh đạo của chính phủ Mỹ và EU, trong đó kêu gọi xây dựng cơ chế tạo thuận lợi trong việc thống nhất các quy định, xóa bỏ thuế quan, linh hoạt hơn trong vấn đề quy tắc xuất xứ, và hài hòa các tiêu chuẩn.

Hiệp hội may mặc và da giày Mỹ (AAFA) cùng với Liên minh các nhãn hiệu trang phục Châu Âu (EBCA) và Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ (USFIA) đã nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận các thị trường và các nhà cung cấp trên toàn thế giới của ngành công nghiệp dệt may, đồng thời cũng làm rõ các tác động của thuế quan và các rào cản thương mại khác. Theo một nghiên cứu gần đây của ngành công nghiệp dệt may Mỹ cho thấy 70% giá trị bán lẻ của hàng may mặc được nhập khẩu vào Mỹ là được tạo ra ở Mỹ. Một nghiên cứu tương tự được tiến hành bởi EBCA cho thấy 50- 80% giá trị hàng may mặc và giày dép nhập khẩu vào EU là được tạo ra ở EU.

Bởi vậy, cả EU và Mỹ đang bị hối thúc nhanh chóng đồng ý các phương thức tiếp cận miễn thuế cho tất cả các sản phẩm dệt may, cũng như hài hòa và đơn giản hóa các luật và các quy định về thương mại hàng may mặc ở EU và Mỹ. Các ưu tiên chính được đưa ra như sau:

• Cơ chế tạo thuận lợi trong việc thống nhất các quy định; hoặc cơ chế công nhận các quy định và tiêu chuẩn lẫn nhau xuyên Đại Tây Dương: Việc loại bỏ các rào cản pháp lý và quy định phi thuế quan ở hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ tạo ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế đáng kể.

• Lập tức loại bỏ thuế quan một cách đầy đủ ở cả 2 phía: Các sản phẩm vải, da và trang phục vẫn là một trong những hàng hóa được bảo vệ nhất tại EU và Mỹ, và viễn cảnh tốt nhất là thuế quan hàng may mặc ở cả 2 phía sẽ được lập tức loại bỏ hoàn toànmà không cần đến một lộ trình giảm thuế.

• Linh hoạt các quy tắc xuất xứ: "Chúng tôi kêu gọi đơn giản hóa và linh hoạt hơn các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TTIP nhằm khuyến khích phát triển thương mại và đầu tư của các công ty sử dụng các chuỗi cung ứng toàn cầu.", trong thư viết.

• Hài hòa hóa các quy định về ghi nhãn: Sự khác biệt trong quy định ghi nhãn hàng dệt may giữa EU và Mỹ đã làm " tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng." Các nhóm may mặc muốn giảm số lượng nhãn bắt buộc phải có trên sản phẩm, đồng thời đơn giản hóa tên các loại sợi dệt, các ký hiệu hướng dẫn, và các yêu cầu về hóa chất.

• Hài hòa hóa các quy định cùng các yêu cầu về an toàn sản phẩm và các phương pháp kiểm tra, cuối cùng hướng tới một phương pháp kiểm tra duy nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

• Nhấn mạnh vào vấn đề tạo thuận lợi trong quy định hải quan: Giảm chi phí biên giới và giảm sự chậm trễ cho các doanh nghiệp, bằng cách cải thiện khả năng dự báo, đơn giản và thống nhất trong thủ tục biên giới, có thể giúp thúc đẩy thương mại. Các nhóm may mặc cũng nói thêm rằng việc xây dựng cách tiếp cận theo một tiêu chuẩn nhất định cho hải quan trên khắp nước Mỹ và tại các cảng khác nhau ở châu Âu sẽ giúp loại bỏ những mâu thuẫn hiện tại.

• Thiết lập một danh sách hài hòa các chất cấm, ví dụ như các hóa chất bị cấm hoặc bị hạn chế sử dụng trong các sản phẩm dệt may cũng như thiết lập mức tối đa cho phép sử dụng phổ biến ở EU và Mỹ.

Cúc Nhi

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​