
Từ ngày 2-3/2/2015 tại Pắc-xế, Lào đã diễn ra Hội nghị đặc biệt cấp Thứ trưởng về Phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công trong khuôn khổ hợp tác Mê Công – những người bạn (FLM).
Hội nghị do Thứ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Cố vấn đặc biệt của Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon đồng chủ trì với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Mi-an-ma và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Lào, Phó Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, Cố vấn của Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia. Tham dự Hội nghị còn có khoảng 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia đến từ các nước Mê Công và Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ủy hội Mê Công quốc tế (MRC).
Nội dung chính của Hội nghị
Hội nghị đã tập trung thảo luận về: (i) Mối liên hệ giữa hội nhập kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nguồn nước và cách tiếp cận mới nhằm giải quyết thách thức chung của các nước ven sông; (iii) Tăng cường phát triển bền vững tại khu vực Mê Công, giải quyết mối liên hệ an ninh nguồn nước- năng lượng- lương thực, giảm thiểu rủi ro và xác định cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Về chính sách phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công: Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mê Công đối với sự phát triển bền vững khu vực. Để phát triển bền vững, các đại biểu cho rằng: (i) cần có quyết tâm chính trị của các nước trong hợp tác giải quyết các thách thức chung; (ii) thực hiện hoạch định chính sách trên cơ sở tiếp cận đa chiều, cân bằng liên kết giữa nước – năng lượng – lương thực và môi trường; (iii) tiếp thu bài học thành công cũng như thất bại trong quản lý các lưu vực sông khác trên thế giới như sông Mississippi, Danube, Rhyne.
- Về kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước chung: Các đại biểu đã giới thiệu mô hình quản lý của các lưu vực sông Mississippi, Danube, Rhyne. CEO Ủy hội sông Mississippi cho rằng việc bảo vệ đa dạng sinh học hết sức phong phú của sông Mê Công có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai tiểu vùng; chia sẻ kinh nghiệm quản lý sông Mississippi hơn 100 năm qua, trong đó quan trọng nhất là cơ chế tham vấn thường xuyên và liên tục tất cả các bên có lợi ích liên quan (stakeholder), đặc biệt là người dân ven sông để phục vụ cho quá trình ra quyết định. Đại diện EU giới thiệu về Chiến lược EU về khu vực Danube (EU's Danube Region Strategy), nhấn mạnh vai trò của EU trong quản lý nguồn nước sông Danube và cho rằng ASEAN nên có vai trò hơn trong phát triển lưu vực sông Mê Công. Đại diện Hà Lan nhấn mạnh tiếng nói của người dân đối với chính phủ các nước ven sông trong việc thực hiện nghiêm túc hiệp định chung về quản lý nguồn nước sông Rhyne; sự tham gia của nhiều cơ quan chuyên môn, không chỉ là Bộ Ngoại giao và Bộ chuyên ngành về nước để có các quyết định mang tính tổng thể. Các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học thất bại, để lại những tác động tiêu cực, lâu dài, không thể đảo ngược. Những kinh nghiệm này đã được đúc rút và đưa vào hệ thống quản lý của 03 lưu vực sông nói trên.
- Về việc xây dựng hạ tầng trên sông Mê Công: Các đại biểu nhấn mạnh việc sử dụng các công cụ đánh giá tác động về môi trường, kinh tế - xã hội của các dự án hạ tầng; tầm quan trọng của việc nhận thức rõ những giá trị bị đánh đổi và tiến tới xây dựng hệ thống quản lý, luật và quy định hài hòa giữa các nước ven sông. Nhiều đại biểu nhấn mạnh các quyết định chính sách phải dựa trên các chứng cứ khoa học rõ ràng, có đầy đủ đánh giá tác động về môi trường và kinh tế - xã hội. Đại biểu của Lào cho biết Lào đã cập nhật các chính sách để phát triển đập thủy điện bền vững, và tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát việc xây dựng, vận hành các đập thủy điện; tuy nhiên thừa nhận hiện chưa có một nghiên cứu toàn diện về tác động của đập thủy điện, nhưng cho rằng không chỉ đập thủy điện mà các nhân tố khác phục vụ phát triển kinh tế cũng gây ra áp lực đối với tài nguyên sông Mê Công.
- Về hỗ trợ tiểu vùng Mê Công của các đối tác: Những người bạn khẳng định tiếp tục hỗ trợ các nước Mê Công thông qua chia sẻ kinh nghiệm, tri thức trong quản lý nguồn nước và áp dụng cách tiếp cận liên ngành bảo đảm an ninh nước – năng lượng – lương thực. Đại diện EU cho biết có kế hoạch thực hiện 05 dự án thí điểm về mối liên hệ nước – năng lượng – lương thực tại tiểu vùng Mê Công. Đại diện Hàn Quốc và Nhật Bản tái khẳng định cam kết đối với phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể thông qua cơ chế Mê Công – Hàn Quốc, Mê Công – Nhật Bản. Mỹ khẳng định dành nguồn lực hỗ trợ cho các nước Mê Công thông qua Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) để tiếp tục triển khai các dự án như: Hạ tầng thông minh cho Mê Công (SIM), Chương trình tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý cảnh quan (SERVIR), Đánh giá tác động môi trường (MPE). Tại Hội nghị, Bộ Năng lượng Mỹ cũng khởi động Sáng kiến Năng lượng bền vững tại Mê Công (SMEI) để giúp các nước Mê Công đầu tư vào các loại hình năng lượng mới, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường của các công trình thủy điện nhỏ hiện có tại Mê Công. Mỹ cũng cam kết phối hợp với ADB, WB hỗ trợ Lào trong quá trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, phát triển lưới điện quốc gia; đồng thời cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với Bộ Năng lượng Mỹ đang làm việc cùng Chính phủ Lào để hỗ trợ Lào phát triển một dự án "thủy điện thông minh" giúp nâng cao hiệu quả, tính bền vững môi trường của các công trình thủy điện nhỏ hiện nay và xây dựng năng lực quản lý thủy điện. Phía Mỹ cũng thông báo hỗ trợ 500.000 USD cho nghiên cứu của MRC về tác động của đập thủy điện đối với môi trường và cộng đồng; và sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp Mỹ vào làm việc với Chính phủ và doanh nghiệp các nước Mê Công về các dự án năng lượng thay thế tiềm năng trong nửa cuối năm 2015.
Tham gia của đoàn Việt Nam
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã tham gia tích cực vào các phiên thảo luận tại Hội nghị. Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nêu một số nội dung định hướng cho Hội nghị như : (i) Phân tích những bài học thành công và thất bại trong quy hoạch và quản lý phát triển tại các lưu vực sông trên thế giới, từ đó rút kinh nghiệm cho tiểu vùng Mê Công; (ii) Thảo luận sâu về cách tiếp cận liên ngành nước-năng lượng-lương thực và hướng áp dụng trong xây dựng chính sách phát triển tại tiểu vùng Mê Công; (iii) Đề xuất các hoạt động tiếp theo trong FLM và các khuôn khổ hợp tác Mê Công hiện có nhằm tạo nỗ lực chung phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công. Các thành viên trong đoàn đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích tại Hội nghị.
Đây là lần đầu tiên một hội nghị về phát triển bền vững tiểu vùng Mê Công được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác FLM, mở ra nhiều hướng mới hỗ trợ các nước Mê Công phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững./.
Lan Hương