note
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) được chính thức khởi động tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 28/3/2013. Sau khoảng hai năm đàm phán và sau khi hoàn tất các thủ tục phê duyệt nội bộ, ngày 29/5, tại Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên EEU, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã ký chính thức FTA giữa Việt Nam và EEU với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng Bên.
Hiệp định chiến lược
Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EEU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng. Hiệp định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế.
Về hàng hóa, EEU đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai Bên.
Về phía Việt Nam, đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho EEU đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng được phía Liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc..., nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.
Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Theo đánh giá bước đầu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai Bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm. Những nội dung về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam
Trước Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ với báo chí xoay quanh những thuận lợi, triển vọng của Hiệp định cũng như những chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một trong những nội dung rất quan trọng của Hiệp định là việc mở cửa đối với thị trường hàng hóa. Theo tinh thần các bên đã thống nhất với nhau, Việt Nam cùng các nước thành viên EEU sẽ mở cửa thị trường hàng hóa cho nhau, với mức độ khoảng 90% tất cả các dòng thuế và 90% kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, thế mạnh hàng hóa riêng của mỗi nước sẽ giúp các bên hỗ trợ lẫn nhau chứ không triệt tiêu nhau trong quá trình thực thi Hiệp định.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo cam kết, ngay từ năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là thủy sản, nông sản sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến khác, Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi từ EEU với một lộ trình thuận lợi trong quá trình thực thi Hiệp định. Ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa đối với một số hàng hóa của EEU mà các nước này có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần như máy móc, thiết bị, lúa mì, sản phẩm sữa.
Trong thời gian tới, việc thực thi Hiệp định nằm ở cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các nước EEU. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO và ký kết một số Hiệp định thương mại tự do với một số đối tác khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, thị trường của các nước thành viên EEU có những đặc thù nhất định. Trước hết, đây là một thị trường mới và kinh tế thị trường cũng đang ở giai đoạn ban đầu. Do đó, những thủ tục, quy trình của EEU còn có những phức tạp; các doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục khó khăn này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào EEU thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, giao thương, vận tải giữa Việt Nam và thị trường EEU có nhiều khó khăn, khi một số nước thành viên của EEU nằm sâu trong lục địa, không có biển.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý rằng, thị trường các nước EEU không phải là một thị trường dễ tính. Nhiều sản phẩm hàng hóa người tiêu dùng của EEU không đòi hỏi khắt khe nhưng không có nghĩa là dễ dãi. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã của sản phẩm hàng hóa.
Cúc Nhi