​​​​​
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế.

Sáng 3/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế nhằm tổng kết hoạt động hội nhập quốc tế năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020. Các ý kiến tại phiên họp cũng tham gia đóng góp vào trọng tâm đối ngoại đa phương đến năm 2020, đồng thời phân tích những thách thức đang nổi lên trong quá trình hội nhập quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế của từng ngành, từng lĩnh vực.

Củng cố Ba trụ cột quan trọng

Trong năm 2014, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đạt được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt kết quả toàn diện trên cả 3 trụ cột quan trọng là chính trị - an ninh - quốc phòng, kinh tế và văn hóa. Cụ thể, Việt Nam đã triển khai hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế về chính trị; các hoạt động quốc phòng đa phương ngày càng đi vào thực chất; các hoạt động đối ngoại đa phương trên lĩnh vực an ninh tiếp tục có những bước tiến cụ thể thông qua việc đưa ra những sáng kiến, đóng góp quan trọng tại các diễn đàn quốc tế lớn; tích cực tham gia mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN; tiếp tục tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động trong khuôn khổ WTO; chủ động tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương… Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Điểm sáng lớn nhất trong hội nhập quốc tế năm 2014 là việc đẩy nhanh và tiến tới kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong năm 2014, 3/6 FTA đang đàm phán đã cơ bản hoàn tất, lãnh đạo 2 bên đã ký các Tuyên bố chung về kết thúc hoặc hướng kết thúc đàm phán, gồm Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA). Đối với các hiệp định còn lại, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các khâu đàm phán cuối cùng, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu.

Trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020

Với vai trò là ngành đi đầu trong mặt trận đối ngoại, đề xuất trọng tâm đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2020, Bộ Ngoại giao đưa ra một số nhiệm vụ lớn là tích cực chuẩn bị, đăng cai tổ chức thành công các hoạt động đa phương lớn, tạo dấu ấn của Việt Nam; chủ động đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế; đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thúc đẩy hoàn tất và triển khai hiệu quả các FTA sẽ ký trong giai đoạn 2015-2020; nâng tầm tham gia và chủ động đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác kinh tế đa phương; chủ động tham gia, nâng cao vai trò và hiệu quả hợp tác văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực khác…

Tại phiên họp, các đại biểu đều ủng hộ ý kiến cho rằng những kết quả đạt được trong hoạt động hội nhập quốc tế thời gian qua đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đối ngoại song phương và đối ngoại đa phương cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế. Trong đối ngoại đa phương, phải chuyển mạnh từ tư duy gia nhập, tham gia sang chủ động và tích cực đóng góp, đề xuất các sáng kiến; tăng cường cách tiếp cận đa ngành; chú trọng nội hàm phát triển bền vững…

 Chủ động xây dựng luật chơi

Trên cơ sở nghe ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế bằng chương trình hành động cụ thể. Hoạt động hội nhập quốc tế trong hai năm qua được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước, nhất là tạo môi trường thuận lợi và nguồn lực cho đầu tư phát triển và cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền quốc gia. Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục ngày càng phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, công tác hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Qua hội nhập quốc tế đã tạo được được môi trường thuận lợi, ổn định cho phát triển; nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quốc gia, cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích chính đáng khác của đất nước. Trong lĩnh vực kinh tế, hội nhập đã góp phần mở rộng thị trường xuất nhẩu với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm là 18%, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, góp phần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển… Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cũng mang lại nhiều lợi thiết thực cho đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ những hạn chế tồn tại cần phải tập trung khắc phục mà nổi lên là việc quán triệt và triển khai công tác hội nhập quốc tế còn chậm; một số bộ, ngành, địa phương nhận thức về hội nhập quốc tế còn chưa đúng mức và chưa chủ động trong hội nhập; công tác tuyên truyền vẫn chưa tương xứng; sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực còn chưa chặt chẽ và hiệu quả; quá trình thực hiện sau cam kết quốc tế vẫn chưa khai thác hết cơ hội và tiềm năng…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm mở cửa thị trường, cạnh tranh là tất yếu, còn bảo hộ một chiều là tự kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: "…Các hạn chế có cả hai mặt, chúng ta đấu tranh, chúng ta bảo hộ để bảo vệ lợi ích chính đáng trong nước là đúng, là cần nhưng phải phân tích kỹ, lĩnh vực nào phải mở từng bước để thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh để phát triển theo kinh tế thị trường. Bây giờ chúng ta phải cạnh tranh. Tuy nhiên hội nhập phải có lộ trình, tính toán lợi ích nhưng không thể không mở cửa; bảo hộ một chiều chỉ làm chậm sự phát triển của chúng ta…".

Trong bối cảnh khoa học công nghệ trên thế giới phát triển mạnh mẽ, xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: năm 2015 tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng trên các lĩnh vực mà trọng tâm là kinh tế. Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành và địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực; tập trung kiện toàn tổ chức Ban chỉ đạo quốc gia và từng Ban chỉ đạo liên ngành trên cơ sở phát huy hoạt động của các đơn vị chuyên môn ở từng cấp, gắn với quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ.

Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung mạnh vào thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế mới, phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để phục vụ cho các mục tiêu phát triển đồng thời tiếp tục triển khai hội nhập sâu rộng, hiệu quả về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục-đào tạo. Chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết máu thịt giữa đồng bào trong nước với kiều bào ta ở nước ngoài; tranh thủ các nguồn lực từ kiều bào để phục vụ cho mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thực hiện tốt công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các đối tác ngày càng tin cậy, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn; tăng cường quan hệ ngoại giao trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế và bảo đảm hòa bình, an ninh của đất nước; tập trung khai thác các lợi thế các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và sắp ký kết để thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: Không chỉ tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, Việt Nam còn phải tiếp tục chủ động đề xuất sáng kiến và tích cực cùng xây dựng luật chơi chung, vừa nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam, vừa phục vụ tốt nhất lợi ích quốc gia, gắn với tích cực triển khai các điều ước quốc tế song song với nội luật hóa.

Thủ tướng lưu ý trong quá trình hội nhập quốc tế cần chú trọng đến lĩnh vực luật pháp; chủ động đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; phát huy trí tuệ của Việt kiều là nhân sỹ, trí thức cũng như góp phần củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nêu rõ trong quá trình hội nhập quốc tế việc di chuyển thể nhân diễn ra sôi động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành liên quan cần đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm an ninh trật tự và tăng cường công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị đề cao trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành và địa phương nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 An Sinh

 ​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​