​​​​

Từ ngày 13-17/4/2015, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý cao cấp Việt Nam năm 2015 (VELP 2015) tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ, kết hợp thăm làm việc tại Hoa Kỳ. Đây là chương trình trao đổi chính sách lần thứ năm giữa các cán bộ quản lý cao cấp của Việt Nam với các giáo sư, chuyên gia kinh tế, học giả hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tháp tùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có các đồng chí Lãnh đạo của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban thường trực Ban Cải cách tư pháp Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ngoại giao và tỉnh Vĩnh Phúc. Đoàn Lãnh đạo quản lý cao cấp Việt Nam đã đối thoại và trao đổi chính sách về cải cách kinh tế và thể chế với các giáo sư, luật gia và chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ và quốc tế như các giáo sư Dwight Perkins, David Dapice, Tony Saich, Robert Lawrence; các luật gia thuộc Đại học Luật Harvard David King, Phil Heymann, Martha Field, Pippa Noris… Tham gia thuyết trình còn có các diễn giả Việt Nam thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP).

Tại các buổi làm việc, các giáo sư Đại học Harvard, các chuyên gia kinh tế, luật gia, cùng nhiều học giả hàng đầu thế giới đã tập trung trao đổi, phân tích nguyên nhân và rủi ro đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực; triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế khu vực nhất là tiến trình và những kịch bản đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các giáo sư và chuyên gia cũng trao đổi về sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như tương lai của hệ thống thương mại đa phương; mô hình phát triển và thể chế kinh tế-xã hội cùng những bài học kinh nghiệm của một số nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đồng thời, các chuyên gia cũng trao đổi về những thành tựu và thách thức phát triển trong ngắn hạn và dài hạn của Việt Nam, đồng thời đề xuất những khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội và cải cách luật pháp và tư pháp.

Về triển vọng kinh tế thế giới và khu vực, các giáo sư và học giả quốc tế không mấy lạc quan với triển vọng kinh tế thế giới. Những chuyển biến kinh tế tích cực hiện nay tại Mỹ, Anh và một số nước phát triển chỉ là tạm thời, chủ yếu do các biện pháp mở rộng cung tiền chưa từng có (quantitative easing). Về dài hạn, đồng tiền chung Châu Âu không bền vững và không khả thi do khoảng cách xa và ngày càng doãng rộng về sức cạnh tranh giữa nền kinh tế hàng đầu là Đức với những nền kinh tế lớn khác như Pháp và Italia.  Những nước đi sau sẽ khó khăn hơn, không thể chỉ dựa vào chiến lược hướng vào xuất khẩu như trước đây và nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" ngày càng lớn hơn. Theo các học giả quốc tế, nhiều nền kinh tế Châu Á trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam không thể dễ dàng tăng mức thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 10 nghìn USD.

Tuy nhiên, các học giả nhất trí rằng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì sự năng động kinh tế và dẫn dắt hội nhập, liên kết đa tầng nấc. Nếu nền kinh tế Trung Quốc chuyển đổi thành công từ mô hình "công xưởng thế giới" sang lấy thị trường và tiêu dùng trong nước làm động lực, thì điều này sẽ tạo cơ hội to lớn cho các nền kinh tế khác trong khu vực. Mỹ quay trở lại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng xuất phát từ lợi ích của các tập đoàn kinh tế lớn, nhằm bảo đảm thị trường và hưởng lợi từ sự thịnh vượng của khu vực. Các học giả khẳng định ý nghĩa địa kinh tế, địa chính trị chiến lược của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm nỗ lực xác lập vị trí dẫn dắt của Mỹ, nhất là các tập đoàn Mỹ, trong các chuỗi giá trị toàn cầu mới, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, hướng tới định hình tiêu chuẩn thương mại đa phương và toàn cầu thế hệ mới.

Về kinh tế Việt Nam, Việt Nam nằm trong số 13 nước trên thế giới có mức tăng trưởng cao liên tục trong hơn 30 năm qua và xét về tốc độ chỉ đứng thứ hai sau nền kinh tế Trung Quốc. Các học giả FETP nhất trí về những tiến triển tích cực của nền kinh tế trong năm 2014 như kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng tăng dần; ghi nhận những nỗ lực về xử lý nợ xấu, cải cách hệ thống ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... Dự kiến, năm 2015 tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,2% hoặc cao hơn.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể phát triển tốt hơn, bền vững và bao trùm hơn nếu phát huy và khơi thông những động lực phát triển trong toàn xã hội thông qua đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Theo phân tích của giáo sư David Dapice, kể từ năm 1994, năng suất tổng hợp toàn nhân tố (TFP) của Việt Nam duy trì ở mức thấp và hầu như không được cải thiện. Trong khi đó, đóng góp của TFP vào tăng trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc là khá cao (gần 1/3); Indonesia có cải thiện rất đáng kể về TFP kể từ sau cải cách thể chế đầu những năm 2000. Nếu tính giai đoạn 2008-2013, tăng trưởng về TFP của Việt Nam thấp nhất khoảng 0,6%; trong khi của Indonesia là gần 2%, Ấn Độ gần 2,5% và Trung Quốc là 4%.

Các thành viên đoàn Việt Nam đã tích cực thảo luận, trao đổi và cung cấp thông tin cập nhật về tình hình Việt Nam và chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong cải cách chính sách, luật pháp và cải cách tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Việt Nam đã khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; chủ trương nhất quán của Đảng ta coi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, được cụ thể hóa trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ coi: "động lực (của cải cách) phải đến từ Đổi mới thể chế"; trình bày những nỗ lực triển khai Hiến pháp 2013 và xây dựng nhiều đạo luật quan trọng như các Luật về Tổ chức bộ máy Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát); và sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp về kinh tế như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước,... và các luật liên quan đến cải cách tư pháp.

Chương trình đã kết thúc tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc cho các thành viên trong đoàn Việt Nam cũng như các giáo sư, giảng viên của trường Đại học Harvard./.

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​