Ngày 14-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hai hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ 5, cũng như tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản.
Tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản chia sẻ đánh giá tích cực về sự phát triển mạnh mẽ và những thành quả quan trọng đạt được 40 năm qua trong quan hệ và hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác tích cực và hỗ trợ quan trọng của Nhật Bản dành cho ASEAN trong hợp tác, liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như trong ứng phó với các thách thức ở khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) khẳng định chính sách đối ngoại trên cơ sở Năm nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh và coi trọng tăng cường quan hệ và hợp tác với ASEAN về mọi mặt, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Theo đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng, triển khai liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh hợp tác kết nối, phát triển tiểu vùng thông qua cơ chế Mê Công-Nhật Bản, phối hợp chặt chẽ với ASEAN đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Cụ thể, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố cấp khoản trị giá 2 nghìn tỷ Yên cho các dự án kết nối và khu hẹp khoảng cách ở ASEAN trong 5 năm, gia hạn và cấp thêm 100 triệu USD cho Quỹ Liên kết ASEAN-Nhật Bản, cấp 300 tỷ Yên cho hợp tác và hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực quản lý và ứng phó với thiên tai, lập Trung tâm châu Á để tăng cường trao đổi thanh niên, sinh viên, nghệ thuật và học thuật với ASEAN, tổ chức Giải bóng đá trẻ ASEAN.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản, Kế hoạch Triển khai Tuyên bố Tầm nhìn và Tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản về hợp tác đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu, đề ra định hướng lớn và các biện pháp triển khai cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản vì hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng ở khu vực. Theo đó, ASEAN và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác trong quản lý thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi các dòng thương mại và đầu tư hai bên vào năm 2022, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác kết nối; sớm hoàn tất và ký các Hiệp định Thương mại Dịch vụ và Đầu tư, tiến tới hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Nhật Bản toàn diện; phát triển nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch; giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội và môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước. Về an ninh hàng hải, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và khẳng định quyết tâm hợp tác bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Nhật Bản và nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực triển khai các cam kết, thỏa thuận và chương trình hợp tác đã thỏa thuận; hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh triển khai liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển Tiểu vùng Mê Công và sử dụng bền vững nguồn nước. Trong trao đổi về các vấn đề khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực để sớm đạt Bộ Quy tắc Ứng xử COC, bảo đảm tự do và an toàn hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực tiễn và các chuẩn mực của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
* Chiều 14-12, đã diễn ra hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, với sự tham dự của Thủ tướng Cam-pu-chia, Thủ tướng Lào, Tổng thống Mi-an-ma và Phó thủ tướng Thái Lan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Hội nghị tập trung rà soát những kết quả đã đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo 2012 và thảo luận về các nội dung hợp tác trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của "quan hệ đối tác vì tương lai thịnh vượng chung" giữa các nước Mê Công và Nhật Bản với hàng loạt các dự án và hoạt động cụ thể trên tất cả các lĩnh vực từ phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bảo vệ môi trường cho tới đào tạo nguồn nhân lực. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt thông qua phát triển các hành lang kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của khu vực; phát triển chuỗi cung ứng khu vực tối ưu; và thúc đẩy hợp tác công - tư. Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác về y tế, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bệnh truyền nhiễm và ứng dựng công nghệ. Hội nghị hoan nghênh tuyên bố của Nhật Bản sẽ triển khai các chương trình hợp tác mới về giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao và giảng dạy tiếng Nhật nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước Mê Công và Nhật Bản. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã đề xuất danh sách sửa đổi 57 dự án mà phía Nhật ưu tiên hợp tác với các nước Mê Công.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan của sông Mê Công, khẳng định ủng hộ Ủy hội sông Mê Công quốc tế đẩy nhanh các nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, cũng như những nghiên cứu của các nước có liên quan về tác động đến môi trường và dòng chính sông Mê Công. Các nhà lãnh đạo Mê Công hoan nghênh cam kết của Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố kiểm điểm giữa kỳ Chiến lược Tokyo 2012, theo đó khẳng định quyết tâm của các bên cùng thúc đẩy hợp tác Mê Công - Nhật Bản vì sự thịnh vượng, ổn định, và phát triển bền vững của khu vực Mê Công. Các bên nhất trí tổ chức hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 6 tại Mi-an-ma trong năm 2014.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mê Công - Nhật Bản, đánh giá cao kết quả đã đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo. Về định hướng hoạt động thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường kết nối khu vực, đặc biệt là việc hoàn tất các hạ tầng và tuyến giao thông còn thiếu, đề xuất một số nội dung hợp tác cụ thể gắn kết khu vực Mê Công với các nước ASEAN hải đảo và Ấn Độ Dương cũng như kết nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng cũng đã khẳng định tính cấp thiết của hợp tác giữa các nước trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước sông Mê Công hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định và lâu dài của khu vực. Thủ tướng cũng đề nghị các bên phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn tất nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Công về phát triển và quản lý bền vững sông Mê Công, trong đó có tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính.
* Tối 14-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cùng với các vị lãnh đạo, phu nhân và các đoàn đại biểu cấp cao ASEAN tham dự tiệc chiêu đãi và biểu diễn nghệ thuật (Gala Dinner) do Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê và Phu nhân chủ trì.
* Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngay sau khi tham dự hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và hội nghị cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Kư-rô-i-oa, Tỉnh trưởng tỉnh Ka-na-ga-oa. Ông Kư-rô-i-oa đánh giá cao sự ổn định chính trị-xã hội, tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với việc tăng cường quan hệ đầu tư, thương mại, hợp tác về lao động với Việt Nam và cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam với đoàn doanh nghiệp lớn của tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với việc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đang ở vào giai đoạn tốt đẹp nhất, việc tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương sẽ tạo nên cơ sở bền vững cho tăng cường hợp tác vì lợi ích của cả hai bên. Mặc dù quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư Việt - Nhật đang có những thành quả hết sức tốt đẹp, song tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn với sự bổ trợ cho nhau rất hiệu quả như về nhân lực, chuyển giao công nghệ. Những nỗ lực tích cực và năng động của các địa phương như Ka-na-ga-oa đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác tiềm năng đó. Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao các sáng kiến hợp tác mà ông Kư-rô-i-oa đề xuất, khẳng định Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để ông Kư-rô-i-oa cùng đoàn doanh nghiệp của tỉnh Ka-na-ga-oa có chuyến thăm Việt Nam thành công, đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.