Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 12 nước tham gia TPP tại Hawaii, Mỹ.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 12 quốc tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức khai mạc tại Hawaii, Mỹ. Đây được hy vọng là đợt đàm phán cuối cùng để các bên có thể đạt được một thoả thuận chính thức và đưa TPP đi vào triển khai thực hiện.
Tất cả các phiên họp đều là các phiên họp kín. Những vấn đề gai góc nhất còn lại sẽ được các Bộ trưởng thảo luận trong vài ngày tới: đó là xoá bỏ các rào cản về thương mại giữa các nước thành viên; quyền sở hữu trí tuệ; thời hạn bảo hộ quyền sáng chế dược phẩm y tế; cải tổ cơ chế bảo hộ doanh nghiệp Nhà nước, quyền lợi của người lao động. Hội nghị kéo dài 4 ngày này đóng vai trò quyết định đối với việc đạt được một thỏa thuận có thể thúc đẩy tăng trưởng và đặt ra những tiêu chuẩn chung cho các nền kinh tế tham gia đàm phán.
Tiềm năng khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là điều không còn phải bàn cãi vì các nước đàm phán, gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile, Mexico, Peru, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đóng góp đến 40% cho kinh tế toàn cầu với tổng giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 27.000 tỷ USD. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới không chỉ vì những con số ấn tượng trên mà còn vì thỏa thuận phức tạp này bao gồm cả các quy định trong lĩnh vực tài chính, sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động.
Các quan chức tham gia hội nghị lần này tỏ ra khá lạc quan song thực tế, những vấn đề gai góc nhất đã được để lại đến phút cuối, bao gồm thời hạn độc quyền cho các loại thuốc mới có thể cứu sống nhiều sinh mạng và sự đãi ngộ đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có những vấn đề mang tính truyền thống hơn như tăng cường tính cạnh tranh cho những thị trường được bảo hộ.
Đến lúc này, Mỹ và Nhật, hai nền kinh tế lớn nhất của TPP về cơ bản đã vượt qua được những bất đồng trong đàm phán song phương. Đây được coi là một động lực rất lớn để thúc đẩy đàm phán chung giữa các bên.Dù giữa các nước còn nhiều bất đồng, Bộ trưởng Thương mại Australia, Andrew Robb vẫn tin tưởng rằng, nhiều khả năng các Bộ trưởng Thương mại sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này. Nếu các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đạt được sự đồng thuận vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau thì thỏa thuận này còn phải được trình lên Quốc hội từng nước thông qua, trong đó Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu cuối cùng vào đầu tháng 12/2015.
M.C