Ngày 2/4/2014, tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Ủy ban lưu vực sông trên thế giới đã tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong quốc tế với chủ đề "An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong". 

Mục tiêu chính của Hội nghị là tái khẳng định cam kết cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong; xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác trong Ủy hội trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị, sẽ có Tuyên bố TP Hồ Chí Minh về hợp tác và cam kết phát triển bền vững lưu vực sông Mekong từ 4 nước thành viên trong Ủy hội gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam.

Tuyên bố sẽ tập trung đánh giá những thành tựu đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Ủy hội sông Mekong quốc tế; phân tích các cơ hội và thách thức của khu vực; khẳng định các lĩnh vực hành động ưu tiên; cam kết thực hiện các hành động cũng như đưa ra các định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của Ủy hội.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sông Mekong là một tài sản hết sức quan trọng đối với các nước trong khu vực. Tài nguyên nước là hữu hạn, trong khi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế, nhất là cho sản xuất lương thực, thủy sản, điện năng...  đang gia tăng nhanh chóng. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng làm cho tài nguyên nước tổn thương là lớn nhất, và đây là một chủ đề đang được cộng đồng quốc tế rất quan tâm.

Hiện các chuyên gia về nước trên thế giới đã đưa ra phương pháp tiếp cận mới, đó là phương pháp nhân quả. Cách tiếp cận này nhấn mạnh đến mối quan hệ qua lại trong sử dụng nguồn nước, bởi bất cứ hoạt động của lĩnh vực nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác và không chỉ ở trong phạm vi của một quốc gia mà còn ảnh hưởng xuyên biên giới, do đó các nước liên quan cần phải hợp tác trong khai thác.

Ông Lai cho biết, Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mekong được 4 quốc gia phía hạ lưu sông Mekong là Lào, Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam ký kết năm1995 tại Thái Lan, cùng với việc thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Tuy nhiên, trên một lưu vực sông, cần phải có sự tham dự của tất cả các nước ven sông, nhưng hiện nay 2 nước là Trung Quốc và Myanmar mới chỉ là đối tác đối thoại, chưa phải là thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Vì vậy, Ủy hội cũng mong muốn có sự tham gia mạnh mẽ hơn của 2 nước này.

Theo ông Lai, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất, năm 2010 tại Hủa Hỉn, Thái Lan, Thủ tướng của 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ, ủng hộ việc thực thi hiệp định Mekong năm 1995 và tinh thần hợp tác Mekong.

Từ tuyên bố Hủa Hỉn đến nay, hoạt động của Ủy hội sông Mekong đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, đó là đã xây dựng được Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đã xây dựng được kế hoạch quản lý lưu vực sông; nghiên cứu và xác định được các mối đe dọa tới sinh kế do biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các khuyến nghị về biện pháp giảm thiểu; giám sát và cải thiện chất lượng nước; đưa ra được những hướng dẫn xây dựng thủy điện theo chuẩn quốc tế...

Ông Lai nhấn mạnh, việc khai thác tài nguyên nước sông Mekong để phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia ven sông cần phải tôn trọng, tuy nhiên việc khai thác này phải đảm bảo tính bền vững.

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ bế mạc vào ngày 5/4.

(Nguồn: MOFA)

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​