
Với chủ đề "Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương". Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 2014) đã diễn ra các sự kiện đầu tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ 5-11/11/2014, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực, tập trung thảo luận 12 phiên chuyên đề. Hơn 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự với tư cách khách mời đặc biệt.
APEC 22 diễn ra trong bối cảnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, song những căng thẳng, thách thức ở một số điểm nóng cũng ngày càng trở nên gay gắt. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; liên kết kinh tế đa tầng nấc được đẩy mạnh.
Năm 2014 đánh dấu 25 năm hình thành APEC và 20 năm thực hiện các mục tiêu Bô-go về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Các thành viên APEC tập trung vào 3 ưu tiên hợp tác gồm: Liên kết kinh tế khu vực; Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế; và Kết nối khu vực và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2014 bao gồm 7 hoạt động chính: Hội nghị các Quan chức cao cấp (5 – 6/11); Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (05 – 08/11); Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 26 (7 – 8/11); Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (8 – 10/11); Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (10/11/2014); Hội nghị các nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 22 (10 – 11/11/2014).
APEC 2014 sẽ có 2 Phiên họp kín và Phiên ăn trưa làm việc, tập trung trao đổi 3 nội dung chính: Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; Đẩy mạnh phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng; Tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.
Dự kiến APEC 2014 sẽ thông qua "Tuyên bố các nhà Lãnh đạo" và "Tuyên bố riêng về kỷ niệm 25 năm thành lập APEC", và một số văn kiện kèm theo về kết nối APEC, khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự HNCC APEC 22. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế ngày 7 – 8/11/2014 và tháp tùng Chủ tịch nước dự HNCC.
Đoàn Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ cấp cao, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các doanh nghiệp ở khu vực. Việt Nam chủ động đóng góp vào các quan tâm chung về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đề cao Cộng đồng ASEAN và các chủ trương liên kết kinh tế đa tầng nấc của Việt Nam.
P.V
Các kết quả hợp tác nổi bật trong APEC
- GDP thực tế của khu vực tăng từ 15,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ lên 30,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ (1989 - 2012) và GDP bình quân đầu người tăng 36%.
- Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ lên 11,5 nghìn tỷ đô-la Mỹ (1989 - 2014); mức thuế trung bình giảm từ 17% xuống 5,7 % (1989 - 2012); rào cản thương mại giảm từ 16,9% xuống 5,8% (1989 – 2010).
- 55 FTA đã được ký kết trong APEC (tính đến tháng 4/2014).
- Tiết kiệm được 58,7 tỷ đô la Mỹ chi phí giao dịch thương mại trong khu vực (2007-2010).
- Đã triển khai khoảng 1600 dự án (từ 1993), hỗ trợ khoảng 150 dự án/năm với tổng giá trị 23 triệu đô-la Mỹ
- Thiết lập mạng lưới gồm 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên.
Sự tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn APEC
Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 cùng với 02 thành viên khác là Liên Bang Nga và Pê-ru. Việc Việt Nam tham gia APEC đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương. APEC là diễn đàn hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của ta, trong đó có 7 đối tác chiến lược (Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Xinh-ga-po) và 5 đối tác toàn diện (Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ma-lai-xia và Chi-lê).
Trong 16 năm qua, nước ta tích cực tham gia và đóng góp hợp tác APEC. Nổi bật là nước ta đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, với việc đăng cai tổ chức HNCC APEC 14, HNBT Ngoại giao – Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC.
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực….); và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 – 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 – 2013.
Năm 2014, tham gia và đóng góp của ta trong APEC tập trung theo các hướng lớn sau: Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC, trong đó có: Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực (Hà Nội, 9/2014),
Đối thoại công tư về giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận tài trợ thương mại (Hà Nội, 3/2014), Khóa đào tạo đối với các nhà xuất khẩu dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ nữ (Hồ Chí Minh, 6/2014), Hội thảo về đánh giá kỹ thuật giữa các cơ quan cấp phép APEC về thỏa thuận công nhận đa phương trong quản lý
năng lượng (Hồ Chí Minh, 11/2014)
Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 09 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập trung tâm phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, tạo thuận lợi chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý thiên tai dựa trên
cộng đồng, giải quyết rào cản về đầu tư đối với năng lượng tái tạo, cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp cận sâu thị trường quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phát triển nhượng quyền kinh doanh; thúc đẩy đối tác công tư về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường tính cạnh tranh, ủng hộ tự do hóa về giá cả của các sản phẩm thiết yếu.
(Nguồn Bộ Ngoại giao)