Lãnh đạo Cấp cao các nước Mekong – Nhật Bản tham dự Diễn đàn kinh tế
Ngày 3/7, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm nước Mekong – Nhật Bản, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo năm nước Mekong và đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự. Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho đại diện Chính phủ các nước Mekong gặp gỡ và trao đổi với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng phát triển cũng như triển vọng đầu tư, kinh doanh tại khu vực tiểu vùng Mekong.
Phát biểu trước đông đảo các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar U Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đều đánh giá cao đã hỗ trợ có hiệu quả của Nhật Bản giành cho năm nước trong phát triển hạ tầng, phòng chống thiên tai và phát triển công nghiệp. Các phát biểu nhấn mạnh, sau 6 năm hình thành và phát triển, Hợp tác Mekong – Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng Mekong, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, và dịch vụ logistics. Những tiến triển này đã biến tiểu vùng Mekong thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ năm nước Mekong tăng cường kết nối kinh tế thông qua phát triển đường cao tốc, đường sắt, cảng biển đồng thời phát triển các khu kinh tế đặc biệt công nghệ cao ven biên giới, đi cùng với việc hỗ trợ phát triển du lịch.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là các nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kết cấu hạ tầng cơ sở và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Nhấn mạnh với những lợi thế của mình như vị trí địa lý thuận lợi và sự ổn định về chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai và sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tái khẳng định những quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong 5 lĩnh vực trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở và đẩy mạnh hội nhập quốc tế:
Thứ nhất, Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thứ hai, Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh ngang mức bình quân ASEAN-6 trong năm 2015 và ASEAN-4 trong năm 2016.
Thứ ba,Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị. Đã ban hành nhiều chính sách để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách, mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Thứ tư, Phát triển nhân lực được coi là một khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng và vận dụng cơ chế thị trường để thu hút nguồn lực tư nhân cho đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Thứ năm, Đẩy mạnh hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế làm trọng tâm. Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN-2015 và triển vọng ký, triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao như Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong 2015-2016 sẽ là những bước chuyển đổi quan trọng để môi trường kinh doanh Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Tiểu vùng Mekong được đánh giá là thị trường ưu tiên của JETRO. Tại Diễn đàn, Chủ tịch JETRO cho biết tổ chức này đã mở sáu văn phòng đại diện tại năm nước Mekong và trong ba năm từ 2012 – 2015, đã có 1000 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia làm hội viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực Mekong. Năm 2014, kim ngạch đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào khu vực Mekong đạt 6,8 tỷ USD, tương đường với quy mô đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc.
Với dân số khoảng 230 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tiểu vùng Mekong hiện là một trong các điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất thế giới của các doanh nghiệp Nhật Bản. Kết nối khu vực ngày càng được cải thiện đã giúp hình thành mạng lưới sản xuất và có tiềm năng trở thành "công xưởng sản xuất mới của thế giới".
Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, theo thông báo hồi tháng Năm vừa qua, nằm trong sáng kiến đầu tư của Thủ tướng Nhật Bản Abe, Nhật Bản sẽ hỗ trợ 110 tỷ USD để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng châu Á trong vòng 5 năm tới, trong đó ưu tiên duy trì hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng tại năm quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong.
Nam Việt