note
Chương trình Gặp gỡ - Địa phương Ngoại giao Đoàn khu vực Bắc Trung Bộ do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đã diễn ra từ ngày 28-30/5/2015 tại Tp. Vinh, Nghệ An. Trong khuôn khổ Chương trình đã diễn ra Hội nghị Gặp gỡ Địa phương - Ngoại giao Đoàn khu vực Bắc Trung Bộ, cuộc gặp gỡ giữa UBND tỉnh Nghệ An và Ngoại giao Đoàn và các chuyến thăm Làng Sen và Khu kinh tế Đông Nam dành cho Ngoại giao Đoàn.
Sáng ngày 29/5, Hội nghị Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao Đoàn khu vực Bắc Trung Bộ đã chính thức khai mạc. Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu, trong đó có hơn 50 đại biểu là các Đại sứ, Đại biện, quan chức ngoại giao của 33 quốc gia; các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo và doanh nghiệp sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cho biết Chương trình "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao Đoàn năm 2015" tại vùng Bắc Trung Bộ là một trong những sáng kiến và nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm kết nối Ngoại giao Đoàn với các địa phương 6 tỉnh Bắc Trung Bộ qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thiết lập mối quan hệ giữa các địa phương với các Cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, góp phần thiết thực hỗ trợ các địa phương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Bắc Trung Bộ có vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi và giàu tiềm năng phát triển. Đây là vùng chuyển tiếp quan trọng giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Tây giáp Lào với nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng, phía Đông là Biển Đông với nhiều cảng biển nước sâu. Đây cũng là vùng có hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông đường sắt, đường bộ và đường hàng không thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào; có lợi thế và nhu cầu rất lớn về phát triển các ngành khai thác và chế biến nông lâm thuỷ hải sản, năng lượng sạch, lọc hoá dầu, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch… Hơn thế nữa, mảnh đất này còn có những nét đặc thù về tự nhiên, văn hóa và con người, có tiềm năng to lớn cả về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm và du lịch văn hóa với những vườn quốc gia, bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới, những di sản thiên nhiên và văn hóa được UNESCO công nhận.
Để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của vùng, các địa phương Bắc Trung Bộ có nhu cầu lớn về mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các ngành khai thác, chế biến nông lâm thuỷ hải sản, năng lượng sạch, lọc hoá dầu, phát triển cơ sở hạ tầng và các loại hình dịch vụ du lịch, như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và du lịch văn hóa… Vì vậy, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho rằng, Hội nghị là diễn đàn bổ ích để lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế và các bạn quốc tế kết nối, thảo luận, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh, kinh nghiệm phát triển và cơ hội hợp tác, góp phần vào sự phát triển bền vững của Vùng, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, khu vực Bắc Trung Bộ có 10,6 triệu người, với 396km đường biển và nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây cũng là khu vực có 5 di sản văn hoá vật thể và phi vật thể thế giới. Vì vậy, vị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn được lắng nghe những ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm từ các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng các cơ quan đại diện quốc tế tại Việt Nam để giúp cho khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp cận được các nguồn lực đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong phát biểu của mình, Ngài El Houcine Fardani, Đại sứ Maroc, Trưởng đoàn ngoại giao nhấn mạnh, các tỉnh Bắc Trung Bộ có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng và du lịch… Điều quan trọng, khu vực này cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào phát triển các ngành kinh tế có ưu thế cạnh tranh. Ngoài ra, sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của các địa phương trong khu vực sẽ là cơ hội để các tỉnh này phát triển trong tương lai. Vị Trưởng đoàn ngoại giao khẳng định, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam sẽ cùng với lãnh đạo các địa phương cùng nhau thảo luận, tìm kiếm các cơ hội để thu hút hơn nữa các nguồn lực đầu tư vào địa bàn. Thay mặt cho Đoàn ngoại giao, Ngài El Houcine Fardani cũng bày tỏ vinh dự được về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người.
Qua bốn phiên thảo luận về các chủ đề "Tiềm năng liên kết vùng Bắc Trung Bộ và nâng cao sức cạnh tranh của vùng"; "Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị nông sản"; "Khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu: thách thức và cơ hội phát triển"; "Bảo tồn giá trị văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững", đại diện các địa phương đã cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những khó khăn còn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện và bày tỏ mong muốn các Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm và hỗ trợ địa phương trong thời gian tới.
Các Đại sứ, đại diện các nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch và liên kết phát triển vùng; việc khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên biển; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; việc bảo tồn giá trị văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững… đồng thời bày tỏ sẵn sàng làm cầu nối với các đối tác của nước sở tại cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đại diện các doanh nghiệp trong vùng cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ một số khó khăn, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực.
Tại phiên thảo luận về "Tiềm năng liên kết vùng Bắc Trung Bộ và nâng cao sức cạnh tranh của vùng", các đại biểu đã trao đổi các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự hợp tác và liên kết giữa các địa phương qua đó tạo sự phát triển chung như đầu tư vận hành chung các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sân bay, cảng biển, bệnh viện, công trình xử lý môi trường để giảm gánh nặng đầu tư; liên kết phát triển chuỗi sự kiện, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù…
Trong phiên họp về "Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị nông sản", các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò và xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp cao tại Việt Nam hiện nay cũng như những cơ hội, thách thức đặt ra cho các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ. Đại diện các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm đưa công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp thông qua doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các địa phương trong lĩnh vực này.
Thảo luận về các nội dung trong phiên "Khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu: thách thức và cơ hội phát triển", các đại biểu cho rằng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do đang mang lại những cơ hội lớn cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, sự hạn chế nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chính sách hiện hành đang là những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc thu hút và kêu gọi đầu tư. Đại diện các nước đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tận dụng nguồn tài nguyên biển và những lợi thế của các cửa khẩu để xây dựng phát triển ở nước mình.
Phiên thảo luận cuối cùng về "Bảo tồn giá trị văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững", Hội nghị đã thống nhất rằng Bắc Trung Bộ là khu vực có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích lịch sử độc đáo có giá trị văn hóa lâu đời. Qua thảo luận, các địa phương đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của một số nước về phương thức bảo tồn giá trị văn hóa trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn mong muốn các Đại sứ, đại biện, các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam, trong đó có các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong vùng kết nối với các địa phương, doanh nghiệp của nước mình. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động tương tự nhằm tăng cường kết nối Ngoại giao Đoàn với các địa phương, góp phần thiết thực vào quá trình tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của các địa phương.
A.T.