Xin ông cho biết tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao lần này?
Dòng sông Mekong là tài sản hết sức quan trọng nếu không muốn nói là có giá trị nhất đối với các nước trong lưu vực sông. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng tài nguyên nước là hữu hạn, mặc dù là nguồn tài nguyên tái tạo. Nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế, xã hội thì ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, tác động của biến đổi khí hậu cũng làm cho tài nguyên nước bị tổn thương lớn nhất. Trong bối cảnh đó, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã tổ chức Hội nghị cấp cao lần hai của Ủy hội sông Mekong. Đây là chủ đề được các nước trên thế giới cũng như cộng đồng khoa học quốc tế rất quan tâm.
Tuyên bố chung của Hội nghị sẽ hướng tới nội dung nào?
Năm 2010, Thủ tướng của 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã có cuộc họp Thượng đỉnh tổ chức tại Hủa Hỉn, Thái Lan. Các Thủ tướng đã thể hiện cam kết chính trị ủng hộ việc thực thi Hiệp định Mekong năm 1995 và tinh thần hợp tác của Mekong. Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh lần này, một lần nữa, Thủ tướng của 4 nước muốn thể hiện cam kết đối với việc thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và sự ủng hộ của các nước đối với hợp tác Mekong.
Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện tuyên bố đưa ra tại Thái Lan?
Trong hoạt động của Ủy hội sông Mekong đã đạt được nhiều thành tựu. Thực hiện tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, Ủy hội sông Mekong quốc tế dưới sự chỉ đạo của Hội đồng đã thực hiện được một số nội dung mà chúng tôi đánh giá là hết sức quan trọng. Trước hết là đã xây dựng được chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Thành tựu thứ 2 cũng hết sức là quan trọng là đã xây dựng được kế hoạch quản lý lưu vực sông Mekong cho đến năm 2015. Một số thủ tục trước kia tranh luận rất nhiều như thủ tục về chất lượng nước cũng đã được ban hành. Ngoài ra, tinh thần hợp tác trong Ủy hội cũng rất mạnh mẽ.
Thủy điện trên dòng chính luôn là vấn đề “nóng” mà 4 nước quan tâm. Vừa qua, Lào đã cho xây đập thủy điện Xayaburi và đang chuẩn bị xây dựng đập Don Sahong cũng như 8 đập thủy điện sẽ xây trong tương lai. Vậy Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giải quyết những khác biệt giữa 4 nước liên quan đến việc xây dựng các đập thủy điện đó như thế nào?
Trước đây chúng ta có mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đến sau năm 2015 chúng ta có mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, việc khai thác tài nguyên nước cũng phải đảm bảo tính bền vững. Với tinh thần như vậy, mặc dù đã có kế hoạch phát triển là xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, các nước trong Ủy hội cũng sẽ cùng nhau bàn bạc, trao đổi và các Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo, tính toán các phương án tối ưu . Tôi nghĩ chắc chắn rằng Hội nghị thượng đỉnh lần này, Thủ tướng của 4 nước sẽ có những quyết định chỉ đạo khai thác thủy điện sao cho bền vững trên dòng sông Mekong.
Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia của 2 đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar?
Trong Hiệp định Mekong năm 1995, chỉ có 4 nước tham gia là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Và trên một lưu vực sông thì cần có sự tham dự đầy đủ của tất cả các nước. Hiện nay, 2 nước Trung Quốc và Myanmar mới chỉ là đối tác đối thoại, chưa phải là thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Vì vậy, Ủy hội sông Mekong quốc tế mong muốn có sự tham dự mạnh mẽ hơn của 2 nước Trung Quốc và Myanmar trong việc hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Ông kỳ vọng gì về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần này?
Hội nghị Thượng đỉnh của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) là sự kiện quan trọng đối với các nước trong lưu vực sông Mekong. Việc Thủ tướng của 4 nước ra Tuyên bố chung sẽ là văn kiện chỉ đạo cho hợp tác Mekong trong thời gian tới.
Xin cám ơn ông.
Diễn Tú (ghi)