Việt Nam xuất khẩu qua Phần Lan chủ yếu là các sản phẩm thô như quần áo, giầy dép, cá da trơn
Ngày 23/10, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức ra mắt dự án hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông thủy sản vào thị trường Phần Lan và Bắc Âu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế của VCCI kiêm Giám đốc Dự án, mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Phần Lan và khu vực Bắc Âu.
Các hoạt động chính của dự án là cung cấp thông tin về các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam; tổ chức đào tạo từng chuyên đề tại các tỉnh thành cho các doanh nghiệp nhằm hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước Bắc Âu.
Dự án đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, khảo sát thị trường các nhà nhập khẩu, phân phối tại Phần Lan và các nước Bắc Âu. Dự án được hỗ trợ từ Quỹ hợp tác địa phương của Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam. Phạm vi thực hiện là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahadevirta, Phần Lan và Việt Nam có lợi thế ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nên không cạnh tranh mà chỉ hợp tác và bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, theo ông Kimmo Lahadevirta dù khả năng mở rộng xuất khẩu hàng nông, thủy sản vào Phần Lan nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung vẫn còn khá lớn, "nhưng muốn làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp các bạn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần có nghiên cứu thị trường và chú trọng hơn vấn đề nhãn mác, bao bì sản phẩm", ông cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp ĐBSCL cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn, quy định mới, được Phần Lan và các nước Bắc Âu công bố. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra an toàn sức khỏe của công nhân và vệ sinh thiết bị máy móc. "Khi các đoàn kiểm tra của chúng tôi đến, họ thấy các bạn đáp ứng đầy đủ như vậy thì không lý do gì họ không nhập hàng cả", ông nói.
Phần Lan đang hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ cho Việt Nam về các lĩnh vực như nguồn nước, vệ sinh môi trường, lâm nghiệp, lĩnh vực sáng tạo mà đặc biệt là khởi nghiệp cho các doanh nghiệp. Trước mắt, Phần Lan đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cấp độ doanh nghiệp của hai nước, tạo ra sự phát triển bền vững và tạo ra nhiều công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo. Hiện chỉ có 75 doanh nghiệp Phần Lan đang đầu tư tại Việc Nam và quan hệ thương mại giữa hai nước mới đạt trên 200 triệu euro. Phần Lan hy vọng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU sớm có hiệu lực trong thời gian tới để thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu qua Phần Lan chủ yếu là các sản phẩm thô như quần áo, giầy dép, cá da trơn. Ngược lại, Phần Lan xuất khẩu qua Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị tiêu dùng hiện đại.
P.V