
Từ ngày 3-4/4/2015, tại thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.
1. Tổng quan về Hội nghị
Hội nghị có hai hoạt động chính: (i) Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chương trình biểu diễn ca nhạc "Chung tay cùng đồng bào Tây Bắc; (ii) Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc. Tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo 14 tỉnh Tây Bắc, tỉnh Quảng Ninh và 3 thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng cùng hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và Lào tại Việt Nam đã tới dự. Tổng số đại biểu tham dự lên tới 1.700 người.
Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng như các thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; những định hướng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu; là diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm; tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương và tình hình tín dụng đầu tư, công tác an sinh xã hội ở vùng Tây Bắc.
Tại Hội nghị, 12 dự án đã được các ngân hàng ký kết hợp đồng tài trợ vốn với tổng số vốn 3.536 tỷ đồng; 15 dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 8.600 tỷ đồng; 18 dự án có cam kết hợp tác đầu tư với số vốn 12.561 tỷ đồng; 29 đơn vị tài trợ được huy động cho công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc với tổng nguồn vốn tài trợ đạt 502 tỷ đồng. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc với thành viên là các doanh nghiệp trong vùng. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn và biểu dương 59 doanh nghiệp tiêu biểu đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự phát triển chung của vùng.
2. Một số nội dung tại Hội nghị:
Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Bắc, các đại biểu cho rằng đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Trong thời gian qua, vùng Tây Bắc được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, thiên tai diễn biến bất thường, xuất phát điểm thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên hiện nay Tây Bắc vẫn là địa bàn nghèo và khó khăn nhất nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao vùng Tây Bắc có tiềm năng lớn nhưng tỷ lệ nghèo vẫn cao nhất cả nước? Tại sao một số tỉnh làm tốt, một số tỉnh làm chưa tốt?... Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng nguyên nhân là do: (i) Liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh mặc dù có khởi sắc nhưng chưa hình thành một cách có hệ thống các thiết chế để thực hiện; (ii) Chưa có dự án tổng lực cao, quy mô lớn để tạo sức lan tỏa về kinh tế-xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã nhấn mạnh đến vai trò của phát triển hạ tầng giao thông, các mô hình phát triển kinh tế liên quan tới tam nông và việc gắn an sinh với an ninh trong phát triển kinh tế xã hội của vùng. Về định hướng thu hút đầu tư, Thứ trưởng Trung cho rằng vùng Tây Bắc cần có quy hoạch đúng đắn, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư (nhấn mạnh tác dụng của xúc tiến đầu tư tại chỗ) và đề cao vai trò quyết định của lãnh đạo các cấp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh vai trò của chính sách tín dụng ngân hàng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp và Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Các chính sách này đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, đầu tư tín dụng tại khu vực Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu vốn cho các hộ nghèo rất lớn, quá trình mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ bị hạn chế bởi thời tiết khắc nghiệt, đi lại khó khăn… Về định hướng đầu tư tín dụng trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc (nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch… ) nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực; phối hợp các tỉnh và Bộ/ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút ODA và FDI.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào khu vực Tây Bắc còn thấp (tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 bình quân cả nước), ảnh hưởng đến tạo việc làm cho người dân và thu ngân sách của địa phương. Về năng lực cạnh tranh, ngoại trừ Lào Cai, các tỉnh còn lại trong vùng đều có chỉ số PCI rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng. Để có thể tạo được bứt phá, Chủ tịch VCCI cho rằng các tỉnh cần đưa cải cách thủ tục hành chính thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong kế hoạch của tỉnh, trong đó tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao trình độ cán bộ công chức và xã hội hóa các dịch vụ công. Khu vực Tây Bắc cần tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh…
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về tiềm năng vùng Tây Bắc qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các Bộ, ngành có liên quan trên cơ sở nhiệm vụ được phân công cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc. Các tỉnh trong vùng cần tiếp tục xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế hấp dẫn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… Ban chỉ đạo Tây Bắc cần làm tốt vai trò là cầu nối, phối hợp giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc cần hoạt động tích cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong vùng…/.
Nguồn: Vụ Tổng hợp Kinh tế- Bộ Ngoại giao