
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Sáng ngày 04/04, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư - an sinh xã hội vùng Tây Bắc. Tới dự có Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; lãnh đạo các Bộ/ngành trung ương, 14 tỉnh vùng Tây Bắc và 4 địa phương.
Hội nghị là dịp để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng như các thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; những định hướng thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu để khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch, các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông lâm sản; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là diễn đàn cho các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vùng Tây Bắc; tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm; tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương và tình hình tín dụng đầu tư, công tác an sinh xã hội ở vùng Tây Bắc.
Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tổng diện tích tự nhiên của toàn vùng gần 110.000km2, chiếm gần 33% diện tích của cả nước. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng nhất là trên các lĩnh vực như sản xuất, chế biến các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện và năng lượng tái tạo, du lịch cùng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong thời gian qua được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, tình hình đầu tư trên địa bàn vùng Tây Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP toàn vùng đạt trên 8,79%, trong đó có một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trên 10% như: Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang… Các công trình cơ sở hạ tầng như: Quốc lộ 2, Quốc lộ 6, Quốc lộ 70 được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi về giao lưu thương mại và hợp tác phát triển. Năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 12 tỉnh ước đạt 168.500 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào 12 tỉnh vùng Tây Bắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, do xuất phát thấp, nền kinh tế còn nghèo nàn nên khu vực Tây Bắc vẫn còn là vùng chậm phát triển của cả nước. Do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc; từng địa phương cần tập trung vào khai thác và phát huy lợi thế của mình đặc biệt là những lợi thể về rừng, khí hậu, bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nguồn nhân lực, bảo tồn văn hóa gắn với nâng cao dân trí cho đồng bào.
Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu đều nhận định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc đang từng ngày không ngừng nỗ lực vươn lên; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, hướng liên kết bền vững; công tác an sinh xã hội và an ninh chính trị được quan tâm, thực hiện tốt nhờ đó đời sống của đại bộ phận người dân trong vùng không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững.
Tổng hợp ý kiến thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về tiềm năng vùng Tây Bắc qua đó tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các Bộ, ngành có liên quan trên cơ sở nhiệm vụ được phân công cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc. Các tỉnh trong vùng cần tiếp tục xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị để phục vụ yêu cầu phát triển KT – XH; xây dựng cơ chế hấp dẫn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… BCĐ Tây Bắc cần làm tốt vai trò là cầu nối, phối hợp giải quyết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc cần hoạt động tích cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong vùng…
Tại Hội nghị, các ngân hàng đã ký kết hợp đồng tài trợ vốn cho 12 dự án với tổng số vốn 3.536 tỷ đồng; trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án với tổng số vốn 8 nghìn 600 tỷ đồng, 18 dự án có cam kết hợp tác đầu tư với số vốn 12.561 tỷ đồng; thống nhất thành lập Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc.
(Tổng hợp)