Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội nghị​

Ngày 18/6, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị Báo cáo viên theo vùng "Hội nhập quốc tế vì phát triển bền vững - Một số vấn đề đặt ra đối với địa phương từ năm 2015" tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu, gồm Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên và đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.

Tham dự Hội nghị có 150 đại biểu, đại diện Lãnh đạo Văn phòng UBND, Sở Ngoại Vụ, các Sở, ban, ngành, huyện, thị trấn và doanh nghiệp của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị về tình hình thế giới, khu vực và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Do đó, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, với việc ta tham gia Cộng đồng ASEAN và tiếp đó là thực hiện các FTA thế hệ mới, sẽ tạo ra những cơ hội phát triển lớn cho đất nước và cho từng địa phương.

Theo đó, việc triển khai mạnh mẽ hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện là yêu cầu cấp bách nhằm tranh thủ cơ hội, giảm thiểu thách thức, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và từng địa phương. Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực, chuẩn bị trong nước nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế ta đã tham gia, đồng thời chủ động, tích cực đề xuất, xây dựng luật chơi; góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với tất cả các đối tác.

Sự chủ động, tích cực tham gia và phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp, đồng hành cùng Chính phủ trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc hội nhập quốc tế.

Hội nghị đã nghe tham luận của các Báo cáo viên về tình hình thế giới, khu vực và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn mới và một số vấn đề đặt ra đối với địa phương, doanh nghiệp Việt Nam; Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và địa phương; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP); kinh tế Việt Nam và một số vấn đề đặt ra khi tham gia các FTA.

Hội nghị đã cung cấp thông tin cập nhật về quá trình triển khai công tác hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường phối hợp trong hoạch định và triển khai chính sách giữa Trung ương và địa phương. Đây cũng là dịp để lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, doanh nghiệp của các tỉnh/thành giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật thông tin về tình hình thế giới, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần triển khai thành công hội nhập quốc tế tại các  địa phương trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, ngoài chia sẻ kinh nghiệm về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, đại biểu tham dự và các báo cáo viên đã trao đổi về các biện pháp cụ thể mà các tỉnh /thành có thể áp dụng nhằm tối đa hóa lợi ích mà hội nhập quốc tế mang lại.

Nhiều đại biểu chia sẻ, mặc dù có những lợi thế nhất định về phát triển kinh tế biển, du lịch, xuất nhập khẩu, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thông tin thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp của các địa phương gặp  không ít khó khăn khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế do hạn chế về thông tin, năng lực cạnh tranh yếu kém, thiếu chính sách chung về phát triển vùng và hệ thống pháp lý…nên chưa thực sự tận dụng được các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua.

Thứ trưởng chỉ đạo, để tham gia hiệu quả hơn vào quá trình hội nhập sâu rộng trong thời gian tới, kể từ năm 2015, các tỉnh cần nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động nâng cao hiểu biết, điều chỉnh cách thức triển khai công tác hội nhập. Trước mắt, là tham gia Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và tiếp đó là triển khai các hoạt động nhằm tranh thủ tối đa lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.  

Phương Anh

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​