Đại diện Lãnh đạo Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức và Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Ngày 28/9, trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và sự tham gia của đại diện lãnh đạo và doanh nghiệp 18 tỉnh thành phía Nam, đại diện Lãnh đạo Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức và Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Việc ký Bản ghi nhớ là một hoạt động thiết thực của Bộ Ngoại giao nhằm kết nối các địa phương với các doanh nghiệp Đức trong khi quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đức đã có bước phát triển đặc biệt.

Trong năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược" và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước trong "Tuyên bố chung Hà Nội". Đức hiện là đối tác chiến lược chủ chốt và ủng hộ các lợi ích của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU), và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Thương mại song phương năm 2014 đạt gần 8 tỷ Euro và tăng trưởng thương mại đạt mức trung bình từ 15-20% trong 5 năm vừa qua..

Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Vietnam) luôn hỗ trợ xúc tiến thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức. Hơn 20 năm tại Việt Nam cùng với đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiêm cũng như sự hiểu biết về thị trường Việt Nam, GIC/AHK Việt Nam là đối tác của các doanh nghiệp Đức và Việt Nam trong quá trình gia nhập thị trường, tìm kiếm đối tác, khách hàng hay nghiên cứu đầu tư.

Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) – thành lập vào năm 1995, là cơ quan bảo vệ quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại Việt Nam, giúp bồi dưỡng các mối quan hệ kinh tế-xã hội song phương giữa hai nước. GBA là một trong những hiệp hội doanh nghiệp có thâm niên lâu năm nhất, là thành viên đồng sáng lập nên Phòng Thương Mại Châu Âu (EUROCHAM) tại Việt Nam. Hiện nay, GBA đã và đang đại diện cho hơn 180 doanh nghiệp thành viên và hoạt động vì một môi trường kinh doanh cũng như các trạng thái vận hành tốt nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức ở trong nước. GBA hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, giúp tối ưu hóa các thông tin kinh tế hữu ít tại Việt Nam và thiết lập các mối quan hệ mới với cộng đồng địa phương.

Thỏa thuận này góp phần tăng cường quảng bá thương mại và đầu tư; xúc tiến hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại của Đức ở các địa phương của Việt Nam. Hai bên phấn đấu hướng tới thiết lập các mối quan hệ hỗ trợ và có hiệu quả với chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương có quan hệ thông tin trực tiếp, đồng thời hỗ trợ chính quyền các địa phương triển khai các chính sách nhằm tạo điều kiện thiết lập môi trường kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp Đức.

Thỏa thuận này hướng đến tạo ra một kênh hỗ trợ các doanh nghiệp Đức bày tỏ các quan tâm đến với các cấp chính quyền trung ương và địa phương; hỗ trợ các địa phương tìm được đối tác hợp tác phù hợp ở Đức và tạo cơ hội để giới thiệu các địa phương Việt Nam sang Đức. Thời gian tới, Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) sẽ phối hợp với GBA và GIC/AHK tổ chức thường xuyên các hội thảo, tọa đàm, hội nghị và diễn đàn với các doanh nghiệp Đức tại các địa phương.

 MC.

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​