
Lãnh đạo các nước BRICS nhóm họp tại Brasil trong 2 ngày 15-16/7 nhiều khả năng sẽ đưa ra tuyên bố thành lập Quỹ dự trữ BRICS trị giá 100 tỷ USD và Ngân hàng phát triển BRICS với số vốn 50 tỷ USD. Các sáng kiến này xuất phát từ việc các nước BRICS cho rằng họ không được tham gia một cách đầy đủ vào quá trình hoạch định chính sách của một số tổ chức quốc tế, cụ thể là World Bank và IMF. Tuy nhiên, theo Arvind Subramnian, chuyên gia phân tích thuộc Viện KTQT Peterson, các biện pháp này không đủ lớn để thúc đẩy tăng trưởng hay tăng cường sự đoàn kết trong nhóm. Các vấn đề nội trị như bầu cử tại Brazil, khủng hoảng ở Ucraina hay các kế hoạch mới nhằm phát triển kinh tế tại Ấn Độ vẫn là các mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo BRICS.
Trong một cuộc phỏng vấn, Trợ lý Tổng Thống Nga về Chính sách đối ngoại Yuri Ushakov cho rằng tăng trưởng kinh tế của nhóm BRICS vẫn cao hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vai trò chính trị cũng như trọng lượng kinh tế của khối BRICS đang tăng dần. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bình quân của 5 nước thành viên BRICS trong năm 2014 dự kiến chỉ đạt 5,37%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của 7 năm trước đây, trong đó Brazil tăng trưởng 1,3% và Nga tăng trưởng 0,5%. Cũng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự đoàn kết trong nhóm BRICS trong bối cảnh các quốc gia thành viên đã không tìm được tiếng nói chung trong việc đề cử một ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo WB hồi năm 2012 hay IMF năm 2011, mặc dù cả 2 đều là các tổ chức mà nhóm BRICS than phiền rằng họ không được hưởng nhiều quyền lợi.
Dưới góc độ thương mại, HNTĐ lần này sẽ ít có khả năng có thể đưa ra những đề xuất chung bất chấp việc Tổng giám đốc WTO Roberto Avezedo là người Brazil. Bản thân chính Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã tăng cường các biện pháp bảo hộ đối với nền kinh tế nước nhà. Bà Sujata Mehta, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói: "Tôi không thể khẳng định rằng Hội nghị lần này sẽ đưa ra những đề xuất chung liên quan đến TM nhưng chắc chắn sẽ thảo lụân về các vấn đề liên quan đến WTO". Các giáo sư Braga và Lehmann thuộc Viện Nghiên cứu và Quản lý Phát triển (IMD) có trụ sở tại Lausanne thì cho biết Ấn Độ và Nam Phi sẽ rút lại các cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho TM mà các quốc gia này đã đưa ra tại Hội nghị WTO tổ chức ở Bali tháng 12/2013. Bản thân Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng sẽ không "đao to búa lớn" vì quá bận tâm về các vấn đề trong nước mà ông đang phải giải quyết, trong đó có tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Về mặt chính trị, Nga cho rằng các lãnh đạo BRICS sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình Ucraina và Nga sẽ lên tiếng phản đối "các biện pháp trừng phạt" của phương Tây. Tất cả các quốc gia BRICS, trừ Nga, đã không tham gia bỏ phiếu nghị quyết của LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận Crưm. GS. về QHQT thuộc Trường ĐH Boston ông Kevin Gallagher cho rằng Ngân hàng phát triển BRICS sẽ cung cấp nguồn tín dụng cho các nước cần "vay nóng" và Ngân hàng này cũng có thể được sử dụng để gây áp lực lên các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Ông Gallagher nói: "Các nước BRICS có thể nói rằng 'hãy xem này, chúng tôi đã có một phương án thay thế' và điều này khiến tiếng nói của họ có trọng lượng hơn". Một nghiên cứu của UNCTAD cho biết, với số vốn 50 tỷ USD, NH BRICS có thể cho vay tới 3,4 tỷ USD mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới trong khi WB trong năm nay dự kiến cho vay 61 tỷ USD.
Ngân hàng phát triển BRICS sẽ cần tất cả các cơ quan lập pháp của 5 nước thành viên thông qua và cần ít nhất 1 năm để đi vào hoạt động. Ngân hàng này có thể cho cả các quốc gia không phải thành viên BRICS vay và ý tưởng về NH này trùng với đề xuất thiết lập Ngân hàng phát triển CSHT mà Bắc Kinh khởi xướng. GS. về tài chính thuộc Viện Quản trị Kinh doanh có trụ sở tại Thượng Hải ông Oliver Rui thì cho rằng Ngân hàng BRICS cùng với Ngân hàng phát triển CSHT Châu Á chính là cách Trung Quốc thu lợi được nhiều hơn là sử dụng nguồn vốn dự trữ ngoại tệ trị giá 3,9 nghìn tỷ USD để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Các tổ chức đa phương cho vay tín dụng cũng là một cách để Trung Quốc hơp thức hoá các khoản đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh các phong trào dân tộc ở Châu Phi đang chống lại đầu tư từ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng sẽ tài trợ 41 tỷ USD cho Quỹ dự trữ BRICS mà các quốc gia thành viên có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra thâm hụt cán cân thương mại. Nam Phi sẽ góp 5 tỷ USD trong khi mỗi nước còn lại đóng góp 18 tỷ USD. Giá trị đồng real (Brazil) tăng 6,35% kể từ đầu năm đến nay trong khi đồng rand (Nam Phi) lại mất 2% giá trị. Đồng rupee (Ấn Độ) tăng 3,1% từ đầu năm và đồng ruble (Nga) giảm 3,95%. Ông Domenico Lombardi, Giám đốc phụ trách các vấn đề kinh tế thuộc Trung tâm Quản trị toàn cầu có trụ sở tại Ontario cho biết: "Quỹ dự trữ BRICS vẫn trong giai đoạn ban đầu và có rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Sáng kiến này mang nặng tính tượng trưng với mục đích cho thế giới thấy rằng ngoài IMF và WB, các nước BRICS còn có những công cụ khác".
(Nguồn: ĐSQVN tại Ấn Độ)