Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc sự kiện.
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Gặp gỡ Israel" để cùng bàn về cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư, giáo dục và khoa học công nghệ giữa hai nước Việt Nam - Israel. Diễn đàn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam, Đại sứ Việt tại Israel Cao Trần Quốc Hải và hơn 160 đại biểu đại diện lãnh đạo các địa phương Việt Nam, các đại diện các tổ chức kinh tế thương mại của Israel tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, qua hơn hai thập kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993 - 12/7/2015), quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel đã không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh. Giai đoạn từ 2009 - 2014 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa hai bên, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã tăng trưởng trên 5 lần, từ mức hơn 200 triệu USD (năm 2009) lên 1,062 tỷ USD (năm 2014).
Doanh nghiệp hai nước đang ngày càng quan tâm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Một số dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa... có ứng dụng công nghệ cao của Isreal đang được triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả cao tại một số địa phương Việt Nam như Trại trình diễn chăn nuôi bò sữa tại Tp. Hồ Chí Minh, trang trại TH TrueMilk tại Nghệ An…
Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn Việt Nam theo định hướng sản xuất lớn, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại,… "nhiều địa phương của Việt Nam có nhu cầu hợp tác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với các nước có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực này", Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.
Với dân số khoảng 7,5 triệu người, Israel nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, giáp với Lebanon, Syrie, Jordan và Ai Cập. Mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng với ngành công nghệ cao và khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế. Israel là một trong 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Không chỉ mạnh về khoa học - công nghệ, Israel còn là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới về nông nghiệp, công nghiệp. Trong đó, tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đứng thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, chỉ sau thung lũng Silicon của Hoa Kỳ. Trong năm 2015, theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Israel, tăng trưởng GDP của Israel ước đạt gần 5%.
Chia sẻ về tiềm năng và thế mạnh của Israel về công nghệ cao, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết thêm: "Israel thiếu rất nhiều thứ. Chúng tôi thiếu đất, thiếu nước và thiếu cả nhân lực". Do vậy, chúng tôi phải nghiên cứu để phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường trong nước quá nhỏ, trong khi chi phí nghiên cứu và ứng dụng lại cao, nên Israel phải tính đến chuyện xuất khẩu công nghệ…
Có thể nói, Israel là nước dẫn đầu về chi phí cho nghiên cứu và các viện nghiên cứu – của chính phủ và của các công ty, doanh nghiệp. Doanh nghiệp Israel muốn tồn tại đều phải đầu tư vào nghiên cứu. Chưa kể các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đều có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở Israel.
Để có được điều đó, vai trò của chính phủ là rất quan trọng. Chính phủ Israel không chỉ góp phần tài trợ trong giai đoạn nghiên cứu mà còn giúp đưa những thành quả nghiên cứu đến với doanh nghiệp, nông dân. Về nông nghiệp, Israel không chỉ mạnh về cây, con giống mà còn mạnh về công nghệ xử lý và tái tạo nước, kinh nghiệm trong chăn nuôi, thủy sản, công nghệ sau thu hoạch...
Vì vậy, thông qua cuộc tọa đàm này, Đại sứ Shahar mong muốn hai bên trao đổi, thảo luận để cùng tìm hướng hợp tác song phương. Sự hiện diện đông đảo các đại biểu địa phương trong buổi Tọa đàm chính là minh chứng cho sự quan tâm và kỳ vọng của các địa phương của Việt Nam trong hợp tác với Israel trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đúng như tên gọi của Diễn đàn, "Gặp gỡ Israel" - đúng là nơi các địa phương Việt nam bày tỏ mong muốn tìm được đối tác phù hợp như Israel để phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Cao Bằng bày tỏ mong muốn hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp Israel trong nghiên cứu đưa các nguồn giống ưu việt của Israel đã được trồng thành công tại Bách Sắc (Trung Quốc) đến trồng thí điểm tại Cao Bằng. Trên cơ sở đó mở rộng mô hình và quy mô trồng tạo thành hàng hóa để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng muốn tìm kiếm cơ hội và phát triển hợp tác với Israel trong các vấn đề như: Hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật với hình thức chuyên gia trong lĩnh vực giống cây trồng nông lâm nghiệp; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tại tỉnh; Kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp từ Israel hợp tác đầu tư với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Tỉnh Điện Biên hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Israel tìm hiểu và liên kết phát triển sản xuất nông lâm nghiệp tại các vùng này. Cùng với đó, Điện Biên có một số điểm mỏ khoáng sản song chưa được nghiên cứu đánh giá kỹ, mong muốn các nhà đầu tư hợp tác thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Tỉnh Ninh Thuận muốn tranh thủ nguồn tín dụng ưu đãi của Israel dành cho Việt Nam trong chuyển giao công nghệ cao về nông nghiệp theo mô hình Israel. Tỉnh này cũng tỏ rõ mong muốn được Chính phủ Israel hỗ trợ chuyển giao công nghệ về quản lý nước tiên tiến của Israel cho Ninh Thuận thông qua các chương trình, dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trên địa bàn. Nhất là hỗ trợ triển khai mô hình vận chuyển nước liên hồ, giảm tối đa thất thoát nước, triển khai thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng mô hình canh tác tưới tiết kiệm của Israel tại Ninh Thuận.
Cúc Nhi