Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 (CLV) tổ chức tại Vientiane, Lào
Ngày 25/11 tại Vientiane, Lào đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 8 (CLV) với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Thủ tướng Campuchia Hunsen.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng không chỉ quyết định nâng cấp, mở rộng hợp tác khu vực Tam giác phát triển mà còn góp phần đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa ba quốc gia trên các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư, du lịch, công nghiệp cao su, an ninh, quốc phòng và môi trường, góp phần vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực Tiểu vùng Mekong cũng như đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
HNCC CLV lần này diễn ra trong bối cảnh 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia đều đang thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, trong đó việc hợp tác giữa 3 nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là Hội nghị trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tạo xung lực cho hợp tác giữa 3 nước nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và xóa đói giảm nghèo, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và nắm bắt những cơ hội hợp tác phát triển từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất nâng cấp và mở rộng hợp tác Khu vực Tam giác phát triển gắn với nhiều biện pháp quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã hội kiến với Thủ tướng Lào, Campuchia cùng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, khẳng định quyết tâm của các bên về lĩnh vực thương mại, đưa kim ngạch thương mại với Lào lên 2 tỷ USD vào năm 2015, với Campuchia là 5 tỷ USD năm 2015. Đồng thời, có những kế hoạch hợp tác chiến lược về điện, hạ tầng giao thông, du lịch, viễn thông, ngân hàng... là những bước đi rất cụ thể để tăng cường kết nối giữa 3 nước trong thời gian tới.
Cùng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Campuchia và Lào cũng nhất trí cao và đưa vào điểm 13 Tuyên bố chung của hội nghị và coi đây là bước phát triển mới trong cơ chế hợp tác giữa ba nước trong thời gian tới. Nội hàm hợp tác trên cơ sở tính đến kế hoạch kết nối tổng thể của ASEAN cũng như việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015, đồng thời trên kết quả hợp tác giữa ba nước trong tam giác phát triển thời gian qua, đồng thời trên các lĩnh vực cả ba nước cùng có nhu cầu và trên thực tế đang triển khai. Nội hàm hợp tác chính tập trung vào kết nối cơ sở hạ tầng về phần cứng, kết nối thể chế, con người. Dành ưu tiên thu hẹp khoảng cách phát triển giữa ba nước với các nước khác trong ASEAN, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển này.
4 giải pháp về phương hướng hợp tác
Để triển khai các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị một số biện pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của ba nước, nhất là trong các lĩnh vực như giao thông; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng và chế biến cao su, cà phê; đầu tư phát triển điện lực, viễn thông; du lịch…
Thứ hai, tập trung thực hiện các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển đến năm 2020. Phấn đấu duy trì tăng trưởng GDP (của 13 tỉnh trong khu vực) đạt mức 10%/năm và mức GDP đầu người 1.500-1.600 USD năm 2015.
Thứ ba, quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong khu vực Tam giác phát triển. Chung tay tìm kiếm và xây dựng giải pháp lâu dài cho quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phối hợp triển khai các dự án: khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, địa chất khoáng sản, quản lý nguồn nước xuyên biên giới; quản lý đất đai... Tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực Tam giác phát triển.
Ba nước tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề về an ninh tại khu vực biên giới. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động phi pháp, sai trái. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Thứ tư, bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn lực của mỗi nước, cần tranh thủ thêm nguồn lực từ các quốc gia đối tác phát triển (Nhật, Hàn Quốc,..) và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong việc này, cần phối hợp chặt chẽ giữa 3 quốc gia để tạo tiếng nói chung và khai thác tối đa ưu thế về cơ chế chính sách, quy mô kinh tế khu vực Tam giác phát triển.
Minh Anh