​​​​​

Ngày 6/02/2015, hai nước Việt Nam - Lào lần đầu tiên triển khai thực hiện mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" (SWI/SSI) tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan và phối hợp đồng tổ chức Lễ khai trương chính thức triển khai mô hình này tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Cộng hòa DCND Lào - Somsavat Lengsavad đến dự lễ và cắt băng khai trương. Đây là lần đầu tiên mô hình kiểm tra "một cửa - một lần dừng" được triển khai tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan trong Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) cũng như giữa các nước ASEAN. Việc làm này nhằm thúc đẩy kết nối, giảm thủ tục và tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp và người dân qua lại.

1. Mô hình kiểm tra "một cửa-một lần dừng"

Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), các nước đã ký Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (GMS-CBTA), trong đó cam kết sẽ áp dụng mô hình kiểm tra SWI/SSI tại các cặp cửa khẩu quốc tế dọc các tuyến hành lang trong tiểu vùng Mê Công, bao gồm cả hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Kể từ năm 2005, Việt Nam và Lào đã ký Bản ghi nhớ (MOU) nhất trí lựa chọn cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan làm thí điểm triển khai kiểm tra SWI/SSI. Theo mô hình kiểm tra này, thay vì phải kiểm tra tại cả đầu xuất và đầu nhập của hai nước, tất cả các cơ quan chức năng (xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật) của hai nước sẽ cùng phối hợp chủ yếu kiểm tra tại nước nhập nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Với vai trò là cơ quan điều phối hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông -  Tây, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Trị tích cực thúc đẩy việc chuẩn bị thực hiện kiểm tra SWI/SSI tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan. Với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và sự tham gia của các cơ quan chức năng, hai bên đã tích cực cải tạo cơ sở vật chất tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và thúc đẩy ký kết các thỏa thuận quan trọng nhằm đáp ứng việc thực hiện kiểm tra SWI/SSI.

Những năm qua, Việt Nam và Lào chú trọng giải quyết các rào cản mềm về cơ chế, chính sách; đồng thời đơn giản và hài hòa các quy trình thủ tục. Qua đó đã phát huy hiệu quả tuyến hành lang kinh tế quan trọng này, góp phần thúc đẩy hội nhập, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo tại 19 tỉnh và thành phố nằm dọc tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Lễ khai trương mô hình kiểm tra "một cửa - một lần dừng" tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo – Densavan là minh chứng sinh động cho quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào; tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho thương mại, góp phần tích cực chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng, việc triển khai thành công mô hình kiểm tra "một cửa - một lần dừng" tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan sẽ góp phần đưa Lào từ một quốc gia không có biển thành một nước trung chuyển, cầu nối đất liền trong khu vực Mê Công; Đồng thời giúp cho hai tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet phát huy vai trò đầu cầu của hai nước trong tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương để bứt phá vươn lên, tạo sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân".

Lễ khai trương là một sự kiện xúc tiến quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh của EWEC đối với cộng đồng doanh nghiệp và du khách quốc tế, tạo động lực khơi thông các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này mà tuyến hành lang EWEC đi qua. Lễ khai trương là bước khởi động quan trọng, là cú huých thúc đẩy các địa phương của Việt Nam và các nước liên quan cân nhắc áp dụng mô hình kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại các cặp cửa khẩu quốc tế dọc hành lang kinh tế Đông - Tây nói chung, góp phần thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hoá qua biên giới trong tiểu vùng Mê Công, tích cực chuẩn bị cho cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015.

2. Tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều Việt Nam - Lào

Tháng 1/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng giữa Việt Nam - Lào đã phát triển nhanh từ khi hai nước ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước (năm 2009) và Nghị định thư thực hiện Hiệp định (năm 2010) tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới Việt Nam – Lào. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách giữa các nước trong tiểu vùng Mê Công và trong khu vực Đông Nam Á, thì còn nhiều nội dung cần điều chỉnh, đổi mới, hiện đại hóa.

Với việc xây dựng Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào, là điều kiện để Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại hoạt động vận tải hàng hóa liên vận, hàng hóa quá cảnh, đánh giá các tour, tuyến vận tải hành khách, hạ tầng giao thông, từ đó đưa ra phương án khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ hiện có giữa hai nước, đề ra các giải pháp thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại giữa hai nước. Khi Đề án đi vào hoạt động sẽ hạn chế xe chạy rỗng, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều, tăng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hàng quá cảnh từ Lào sang Việt Nam để xuất đi các nước và ngược lại; cơ sở để công tác quản lý nhà nước về vận tải hàng hóa giữa hai nước tổ chức các dịch vụ công phục vụ cho hoạt động vận tải hàng hóa hai nước.

3. Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Lào

Từ thập niên 2000, quan hệ thương mại Việt Nam – Lào khởi sắc và từng bước phát triển mạnh, kim ngạch giao thương hai chiều không ngừng tăng nhanh với tốc độ trung bình 20-30%/năm. Bằng nhiều biện pháp như: tổ chức Hội chợ thương mại Việt – Lào, Hội nghị giao thương hằng năm ở Thủ đô Viêng Chăn và một số địa phương Lào, ưu đãi thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại biên giới, ... tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu hai nước năm 2010 đã đạt 490 triệu USD; năm 2011 đạt 743 triệu USD; năm 2012 đạt 866 triệu USD, là những bước tăng trưởng rất khả quan.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong cả năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Lào hàng hóa có tổng giá trị trên 477 triệu USD, trong đó nhiều nhất là sắt thép các loại (chiếm gần 20%), và xăng dầu các loại. Trong khi đó, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày, lại có lượng xuất khẩu khá khiêm tốn sang thị trường này. Lào xuất khẩu sang Việt Nam hàng hóa trị giá trên 808 triệu USD, trong đó hơn 600 triệu USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tiếp đến là quặng và các loại khoáng sản khác.

Hợp tác thương mai Việt Nam – Lào, được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo hai nước, đang và sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Song, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều chưa đạt được mục tiêu mong muốn do còn nhiều hạn chế như: hệ thống cơ sở hạ tầng, bến bãi, cầu đường còn nhiều yếu kém; năng lực tiếp thị của các doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của hàng hoá mỗi nước còn thấp; thủ tục thông quan ở một số cửa khẩu Việt Nam còn rườm rà; phương thức phân phối còn nhiều bất cập, manh mún, nói như Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào Nguyễn Đức Mộc là "chưa có nhạc trưởng"...

Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh quan hệ thương mại, trong đó có việc triển khai thực hiện các nội dung Đề án phát triển thương mại giữa hai nước, giai đoạn 2008-2015, xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới, thúc đẩy thương mại biên giới, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu,... nhằm đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước lên hai tỷ USD vào năm 2015. Để đạt mục tiêu này, một trong những việc quan trọng là tăng thị phần hàng hoá của Việt Nam tại Lào. Theo đồng chí Trần Bảo Giám, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Lào, cần giải quyết đồng bộ bốn vấn đề: Một là, Chính phủ hai nước cần tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối lưu thông hai nước như cầu đường, cửa khẩu, kho tàng,.. ; Hai là, các địa phương biên giới giữa hai nước tăng cường hợp tác và qua đó, làm cầu nối phát triển hợp tác giữa các địa phương khác của hai nước; Ba là, các doanh nghiệp cần tăng cường sự hiện diện ở Lào, hợp tác trong lĩnh vực phân phối hàng hoá, có thể theo phương thức "một doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá cho nhiều doanh nghiệp" và nhất là tham gia các hội chợ thương mại Việt – Lào tổ chức hằng năm tại các địa phương Lào nhằm quảng bá sản phẩm cho người tiêu dùng. Bốn là, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chính ngạch giữa hai nước; đầu tư xây dựng chợ biên giới, trung tâm thương mại, kho thương mại trong khu kinh tế cửa khẩu và khu vực cửa khẩu hai nước để cung ứng hàng hoá thuận lợi vào Lào; tăng cường xúc tiến thương mại biên giới và tăng cường kiểm tra việc thực hiện Thoả thuận giữa hai nước năm 2007 về tạo điều kiện cho người, hàng hoá và phương tiện vận tải qua lại biên giới hai nước./.

Nguồn: Vụ Tổng hợp Kinh tế- Bộ Ngoại giao

 ​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​