​​​
​​

Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ấn Độ được đồng tổ chức bởi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tại New Delhi từ ngày 4-6/11/2014, với chủ đề "Xác định lại hợp tác công tư vì một khởi đầu mới" ("Redefining public-private cooperation for a new beginning").

Tham dự Diễn đàn có hơn 700 nhà lãnh đạo của doanh nghiệp, xã hội dân sự và chính phủ, đến từ 45 quốc gia. Đặc biệt có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài chính Arun Jaitley, Bộ trưởng Bộ phát triển nông thôn và vận tải đường bộ Nitin Gadkari; Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Ravi Shankar Prasad; Bộ trưởng than, điện và năng lượng tái tạo Piyush Goyal; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nirmala Sitharaman; và Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Smriti Irani.

Có 24 phiên họp toàn thể tập trung vào các nội dung như cơ sở hạ tầng, kỹ năng, y tế, tăng trưởng toàn diện và khả năng cạnh tranh, Ấn Độ kỹ thuật số, quản trị, minh bạch, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới. Ngoài ra, có các buổi tương tác giữa các Bộ trưởng với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào Ấn Độ.

Tại phiên họp đánh giá về tăng trưởng của Ấn Độ, các đại biểu nêu lên những thách thức và cơ hội mà Ấn Độ đang phải đối mặt. Các đại biểu cho rằng Ấn Độ hiện đang trên đà quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên các vấn đề như quan liêu, thiếu minh bạch, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề cao được xác định là vấn đề nổi cộm.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Arun Jailey cho biết Chính phủ đang từng bước cải cách và loại trừ tham nhũng nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và loại bỏ chủ nghĩa tư bản bè cánh. Ông cũng cho biết Chính phủ sẽ xem xét để tư nhân hóa các khu vực công làm ăn thua lỗ. Hiện có khoảng 79 khu vực công làm ăn thua lỗ với số vốn đầu tư lên tới 1.57 lak crore Rs.

Về vấn đề vốn đầu tư nước ngoài, các nhà Lãnh đạo BJP cho rằng việc mở rộng sản xuất không thể dựa vào vốn đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của Chính phủ là khai thác tối đa năng lực của doanh nhân trong nước. Chiến dịch Make in India không phải chỉ dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài và cũng không dựa vào vốn nước ngoài. Các nhà lãnh đạo chỉ ra rằng Ấn Độ có một "lớp học kinh doanh, bí quyết và kinh nghiệm riêng" do đó cách tiếp cận FDI theo định hướng ở các nước Đông Á có thể không phù hợp với bối cảnh Ấn Độ.

Tạo cơ hội việc làm và giảm thâm hụt thương mại là hai mục tiêu chính để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Viễn thông và quốc phòng là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn hàng nhập khẩu của Ấn Độ do đó phát triển năng lực sản xuất trong các lĩnh vực này sẽ là ưu tiên.

Kết luận tại phiên bế mạc, đồng Chủ tịch Hội Nghị thượng đỉnh kinh tế Ấn Độ, ông Chandrajit Banerjee, Tổng giám đốc Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) cho rằng Chính phủ mới của Thủ tướng Modi đang tiến lên phía trước với những chính sách và cải cách nhằm đạt tăng trưởng kinh tế ở mức trên 8%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức Chính phủ cần phải giải quyết như cơ sở hạ tầng, đất đai, lao động, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, trợ cấp, việc phân bổ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, những mô hình hợp tác đối tác mới giữa doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự có thể giúp Ấn Độ đạt mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu./.

(Nguồn: ĐSQVN tại Ấn Độ)

​ 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​