Ngày 21/5/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội nghị quốc tế Tương lai Châu Á lần thứ 21 tại Tokyo, Nhật Bản. Hội nghị năm nay có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Mông Cổ Tsa-khi-a En-be-do-di, Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a Du-xup Ka-la, Phó Thủ tướng Thái Lan Pri-đi-da-thon De-ve-cu-la, cựu Thủ tướng Xinh-ga-po Gô Chốc Tông, cựu Thủ tướng Ma-lay-xi-a Ma-ha-thia Mô-ham-met cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chính phủ, khu vực doanh nghiệp, giới học giả nhiều nước châu Á.

Với chủ đề "Châu Á sau 2015 - Tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng lâu dài", Hội nghị tập trung thảo luận về các nhân tố có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Châu Á như thách thức và cơ hội của Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, chính sách phát triển của các nền kinh tế lớn và các bất ổn trong quan hệ quốc tế. Vấn đề Biển Đông cũng được đề cập nhiều tại Hội nghị.

Phát biểu ngay tại Phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ ra những xu thế phát triển lớn của thế giới ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của Châu Á, đó là: quá trình toàn cầu hoá và liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng; sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế tạo nên cục diện quan hệ quốc tế mới và thế giới đa cực; sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ; làn sóng đô thị hoá và xu thế già hoá dân số; và tình trạng ngày càng trầm trọng hơn của biến đổi khí hậu và khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phó Thủ tướng cho rằng, trong một thế giới biến đổi nhanh chóng, các quốc gia châu Á cần nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để vươn lên thành công. Xây dựng Cộng đồng ASEAN là quyết định có ý nghĩa lịch sử và mang tính chiến lược của các nhà Lãnh đạo ASEAN nhằm tạo bước chuyển về chất cho quá trình hội nhập và vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực và nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả doanh nghiệp trong ASEAN và ngoài ASEAN. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đang đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trị trường, cơ chế chính sách và chủ động hội nhập quốc tế; phấn đấu đến cuối năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam bằng và vượt mức trung bình của các nước ASEAN dẫn đầu. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoan nghênh những đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng khẳng định trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia trong khu vực trong bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định vì sự phát triển bền vững của châu lục. Để ứng phó một cách hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, các quốc gia dù lớn nhỏ đều cần tôn trọng độc lập chủ quyền và quyền lợi của các nước khác, tăng cường lòng tin và giải quyết bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Liên quan đến Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định các diễn biến hết sức phức tạp của tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Các quốc gia liên quan đều phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy các ứng xử (COC).

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt – Nhật vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á và những nỗ lực cải cách kinh tế mà hai nước đang thực hiện sẽ đưa quan hệ song phương sang một giai đoạn mới thực chất và hiệu quả hơn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân hai nước và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

Sỹ Dũng

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​