Từ ngày 20-21/4/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần thứ 24 (WEF Đông Á 2015) tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a. Tham gia đoàn Việt Nam có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Lãnh đạo các Bộ/ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.
1. Hội nghị WEF Đông Á 2015
Hội nghị năm nay diễn ra ngay trước Hội nghị cấp cao Á-Phi và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955 (22-24/4/2015). Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu từ khoảng 40 nước trong và ngoài khu vực, trong đó có lãnh đạo cấp cao của một số nước như Tổng thống In-đô-nê-xi-a, Thủ tướng Căm-pu-chia, Phó Thủ tướng Nga; lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như OECD, ADB… và nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới.
Với khoảng 30 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề "Tăng cường lòng tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á", Hội nghị cho rằng củng cố lòng tin là yếu tố then chốt để bảo đảm sự ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực trong bối cảnh toàn cầu mới. Tuy hợp tác và liên kết khu vực vẫn diễn ra sôi động ở Đông Á, nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về căng thẳng địa-chính trị, tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đặc biệt là ở biển Hoa Đông và biển Đông. Lãnh đạo nhiều nước nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường hợp tác và liên kết khu vực và liên khu vực nhằm củng cố lòng tin của quốc tế đối với khu vực Đông Á.
Về kinh tế, Hội nghị đánh giá Đông Á vẫn là khu vực tăng trưởng năng động và nhanh nhất thế giới (dự báo năm 2015 tăng trưởng 7%) và còn nhiều tiềm năng phát triển (dự báo tầng lớp trung lưu ở Đông Á sẽ tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2020). So với các khu vực khác (Trung Đông, Châu Phi…), Đông Á vẫn tương đối ổn định, do đó có nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Hội nghị đánh giá khá lạc quan về triển vọng của kinh tế Đông Á khi nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực (như Nhật Bản, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a…) bắt đầu bước vào đợt cải cách mới. Nhiều ý kiến cho rằng đẩy mạnh cải cách cơ cấu là phương cách tốt nhất để nâng cao năng lực ứng phó với bối cảnh mới, đồng thời củng cố lòng tin của giới đầu tư quốc tế đối với kinh tế và tài chính khu vực.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN thu hút nhiều quan tâm tại Hội nghị. Các đại biểu đánh giá tích cực cơ hội và tiềm năng của ASEAN sau khi thiết lập thị trường thống nhất. Lần đầu tiên tại Hội nghị WEF Đông Á, WEF tổ chức một phiên thảo luận riêng về các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) cho thấy với nỗ lực cải cách, hội nhập và có nhiều tiềm năng, các nước CLMV đang thu hút quan tâm của WEF và cộng đồng kinh doanh quốc tế.
2. Tham dự của đoàn Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại phiên khai mạc và tham gia thảo luận tại các phiên họp về các nước CLMV, về "Thiết lập chương trình nghị sự bảo đảm an ninh lương thực" và phiên họp hẹp giữa lãnh đạo một số nước và doanh nghiệp lớn về "Tăng cường hợp tác liên khu vực" lần đầu tiên được WEF tổ chức tại Hội nghị WEF Đông Á. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, chủ động hội nhập quốc tế; nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ hội phát triển sau khi kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA); nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, theo đó mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Nhân dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giu-súp Ca-la; gặp Phó Thủ tướng Nga Ác-ka-đi Đờ-vô-cô-vích; tiếp Giám đốc điều hành WEF Phi-líp Ruết-xlơ, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Ma-ri Ki-vi-ni-mi, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Stê-phơn Gờ-rốp, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Ha-ri Ha-rít-xơ, Chủ tịch Phòng Thương mại-Công nghiệp In-đô-nê-xi-a.
Hội nghị WEF Đông Á năm nay nổi lên thông điệp củng cố lòng tin cho thấy trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến chuyển, việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực là lợi ích và quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Việc Việt Nam quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sẽ góp phần quan trọng củng cố lòng tin cho giới doanh nhân quốc tế, từ đó góp phần tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận tại các phiên họp của Hội nghị, đặc biệt đã phát biểu tại khai mạc và nhiều phiên thảo luận quan trọng có tham dự của Lãnh đạo các nước; tiến hành nhiều tiếp xúc song phương với Lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế lớn. Chỉ trong hơn 1 ngày làm việc, Đoàn đã tiến hành hơn 13 hoạt động thảo luận và tiếp xúc. Việt Nam được WEF và các đại biểu quốc tế đánh giá cao như là một ví dụ điển hình về "câu chuyện thành công" tại khu vực./.
Nguồn: Vụ Tổng hợp Kinh tế- Bộ Ngoại giao